Rất nhiều cơ quan chính quyền và đại bộ phận nông dân phía hạ lưu, nơi vừa qua bị thiệt hại lớn, đều cho rằng, chính thủy điện xả lũ không đúng quy trình, xả lũ ồ ạt đã gây ra lũ to bất thường cho hạ lưu (Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên...).
Phía thủy điện (các công ty cổ phần kinh doanh điện) cãi rằng, họ bị oan, tất cả đều do mưa lớn bất thường, nếu không có thủy điện lũ còn lớn hơn thế nữa.
Cơ sở để bàn luận chính là lý thuyết về thủy điện và những mặt phải trái của nó, một vấn đề đâu có mới, đâu có khó, ngược lại đã được giải quyết trong sách vở, các trường đại học và thực tiễn hàng trăm năm qua trên thế giới.
Qua thực tế của những nước trước đây “say mê” làm thủy điện nay đang có xu hướng từ bỏ như Nga, Mỹ và nhiều nước châu Âu, thủy điện hầu như chỉ có lợi là phát điện nhưng gây ra rất nhiều hệ lụy về môi trường. Đó là, cảnh quan, địa mạo bị xấu đi, biến dạng đi, được điện thì mất du lịch, mất văn hóa.
Đó là, mức nước ngầm dâng cao vĩnh viễn đã gây ra bệnh tật liên quan như bệnh thấp khớp, lao phổi (trường hợp này đã được tổng kết và thừa nhận thời Xô viết ở lưu vực thủy điện Dniepr (Ukraina và Nga). Đó là diện tích lớn rừng đầu nguồn bị mất đột ngột để làm hồ chứa, sinh vật (cây cối, động vật và con người) không trở tay kịp.
Đó là, cái này mới là nguyên nhân chủ yếu gây ra lũ hạ lưu, quá trình lưu lượng của những trận mưa lớn (tần suất 100 năm chẳng hạn) không diễn ra bình thường như hàng triệu năm nay vẫn diễn ra. Ví dụ, trước đây, một giọt nước mưa từ Mường Nhé (Điện Biên) phải mất hàng tháng trời lách qua lá cây, rễ cây, ra suối, ra sông Đà ở Hòa Bình.
Bây giờ có hồ thủy điện, giọt mưa ấy vừa rơi xuống đã góp phần ngay lập tức nâng cao mực nước hồ chứa, đe dọa đập nước. Và để bảo vệ đập, người ta phải xả lũ. Thế là, hạ lưu lập tức chịu trận.
Thủy điện chỉ có tác dụng tích cực ngăn lũ, phân lũ phần nào nếu người ta dự báo chính xác cơn lũ mà tháo cạn hồ đến tận mực nước chết. Khi mưa to, lũ về sẽ được chứa tạm trong hồ và chỉ được tháo xuống hạ lưu khi đập bị đe dọa không an toàn. Nhưng không ai kinh doanh điện mà lại tháo nước đi. Nước ở đây chính là lợi nhuận.
Nhà nước từ trung ương đến địa phương luôn bị đặt trước vấn đề: Điện hay cuộc sống an toàn của hạ lưu, phải chọn lấy một. Câu hỏi này sẽ không bao giờ giải đáp được nếu cứ phát triển thủy điện tràn lan, “phát điện là chính” mà không chú ý tới an toàn nhiều mặt của nông nghiệp cũng như môi trường.
Cho nên, chúng ta dứt khoát yêu cầu phải rà soát lại và dẹp bỏ những dự án thủy điện này. Lên án và dẹp bỏ chúng là không oan!
Sông Thao