Trong các đời thầy ngoại, buổi tập dưới thời HLV Falko Goetz quả là “độc và lạ”. Độc ở chỗ, ông Goetz gần như không quan tâm đến việc đá tập, chơi đối kháng giữa các cầu thủ trong đội.
Còn lạ ở chỗ, luôn có những ý tưởng rất thú vị mà ông Goetz ốp cho học trò, chẳng hạn như màn tập đứng ở tư thế… việt vị, thấp hẳn dưới hàng phòng ngự và dứt điểm ghi bàn của tiền đạo.
Ông Goetz là vậy, không có gì là không thể xảy ra trên sân tập. Chẳng hạn bài tập sút phạt hàng rào, ông Goetz đặt 3 maker làm… hàng rào, sau đó yêu cầu các cầu thủ sút phạt vào khung thành. Liên tục trong những buổi tập ở xứ vạn đảo, ông Falko Goetz cho học trò tâp bài tạt cánh, đánh đầu.
Chỉ có điều, màn “không chiến” của các chân sút U23 Việt Nam trong vòng cấm đối thủ đều không có phản kháng, kèm cặp nào từ hậu vệ bởi khi đó, cả phòng ngự của U23 Việt Nam đều đã… nghỉ tập.
HLV F.Goetz và các tuyển thủ U23 Việt Nam trong một buổi tập tại SEA Games 26. Ảnh: Dũng Phương |
Cách ông Goetz tập cho các cầu thủ U23 Việt Nam tựa những cầu thủ lứa U11- U13, bởi khi đó, các cầu thủ nhí cần được tập luyện dễ dàng như vậy để hoàn thiện kỹ thuật. Còn đối với U23 Việt Nam, một đội hình có khá nhiều cầu thủ già giơ, kỹ thuật hoàn chỉnh, ông Goetz tập luyện cho họ theo kiểu “a, b, c” nhập môn.
Và kiểu tập quá dễ ấy có lẽ đã khiến U23 Việt Nam không thể đá theo đúng ý của ông Falko Goetz khi nhập cuộc căng thẳng. Thậm chí, có những cầu thủ như Trọng Hoàng đã mất sạch bản năng, đẳng cấp vốn có.
HLV Falko Goetz tập và bảo thủ với quan điểm của mình. Ở U23 Việt Nam, có những thông tin ông thầy người Đức “kiềng” với chính các trợ lý của mình. Bởi vậy, có tư vấn, góp ý chăng nữa, ông Falko Goetz cũng không nghe.
Và sự bất lực được chốt lại bằng một lời thừa nhận chua chát: “Trợ lý lên tuyển là để học việc, tích lũy thêm trình độ. Nhưng ông Goetz chẳng để lại bất kỳ kinh nghiệm, bài học nào cả…”.