Mấy ngày gần đây, nước ven bờ Hồ Gươm xuất hiện màu xanh khác lạ với màu xanh truyền thống. Một số nhà khoa học lý giải đây là hiện tượng "nở hoa nước" của vi khuẩn lam (tảo lam).
GS.TS Dương Đức Tiến, chuyên gia về tảo cho hay, thời tiết giao thời giữa mùa Xuân – Hạ làm tảo lam phát triển theo cấp số nhân, "màu xanh của tảo này làm xấu mặt hồ, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nên cần thu gom".
GS Tiến khẳng định loài tảo này còn có nhiều độc tố gây hại đến sinh vật sống ở hồ.
Đại diện công ty thoát nước Hà Nội (đơn vị thực hiện cải tạo chất lượng nước Hồ Gươm) cho biết, sau khi nạo vét, hầu hết các hồ sẽ có hiện tượng nitơ, photpho tăng cao, gây ra sự phát triển mạnh mẽ của các loại thực vật phù du như rêu, tảo. Tình trạng này dẫn đến thiếu oxy trong nước, phá vỡ chuỗi thức ăn, giảm chất lượng nước, phá hoại môi trường trong sạch của thủy vực.
Công ty thoát nước Hà Nội đang phối hợp với phòng nghiên cứu của trường Đại học Bách Khoa thử nghiệm cấy tảo đặc hữu, tạo màu xanh cho Hồ Gươm và cân bằng môi trường nước. Hiện các tảo đặc hữu được cấy ở phần đáy hồ, khi phát triển sẽ tạo ra màu xanh vốn có như trước đây ở hồ. "Sau khi các tảo đặc hữu phát triển cộng với việc cung cấp thường xuyên lượng oxy bằng cách phun xục khí ở hồ và tổng hợp các biện pháp khoa học, nước trong hồ sẽ dần trở lại màu xanh", đại diện Công ty Thoát nước khẳng định.
Công nhân vớt tảo độc trong hồ.
Cuối năm 2017, TP.Hà Nội đã chi gần 30 tỷ đồng để làm sạch nước Hồ Gươm. Thành phố cho hay, đề án cải tạo môi trường nước Hồ đã xin ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, hộ nghề nghiệp và cộng đồng dân cư sinh sống quanh hồ.