Dân Việt

Người nghèo cũng phải bị chế tài

24/11/2011 20:59 GMT+7
(Dân Việt) - Do người nghèo được hưởng nhiều hỗ trợ, không ít hộ đã ao ước được nghèo khiến cho các cuộc bình xét hộ nghèo trở thành cuộc "mặc cả", thậm chí huy động cả họ hàng, dòng tộc bình bầu cho nhau.

Mong được... nghèo

Dù khống chế chỉ tiêu nghèo hay không, việc "tranh nhau" trở thành hộ nghèo cũng khá phổ biến. Trên chuyến xe đi công tác tại Lai Châu, một cán bộ xoá đói, giảm nghèo (xin giấu tên) chia sẻ với PV NTNN rằng một điều nghịch lý là nhiều vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao thì người dân ngày càng lười, một số người chỉ ở nhà ăn chơi, nhậu nhẹt.

img
Chính sách cho không sẽ tạo sức ỳ đối với người nghèo 

Cán bộ hỏi thì họ bảo, làm nhiều làm gì cho khổ cái thân, đói đã có Nhà nước cho gạo để ăn, tết nhất, giáp hạt thì Nhà nước cho tiền để tiêu, ốm đau đã có bệnh viện lo. "Tôi thấy, cứ cho không như thế mãi cũng không ổn, chính sách không sai, nhưng khi thực hiện quá máy móc có thể có tác dụng ngược" - vị cán bộ này chia sẻ.

Tại Hà Tĩnh, ở một số vùng có thực tế là cán bộ xã được người dân tín nhiệm hay không còn là nhờ khả năng "lo" được cho xã vào danh sách đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lớn. Khi chúng tôi tới xã Hương Minh (huyện Vũ Quang) - một chủ cửa hàng tạp hoá lớn đã bức xúc định viết đơn "xin" làm hộ nghèo, vì: "Gia đình tôi làm ăn đầu tắt mặt tối mới đủ ăn, con đi học phải đóng tiền học, đi khám bệnh phải tự bỏ tiền, trong khi các hộ xung quanh không làm ăn gì thì được bầu hộ nghèo, được hỗ trợ từ A tới Z. Giờ tôi cũng... đấu tranh để được vào hộ nghèo, không thì thiệt thòi quá!".

Còn tại Vĩnh Phúc, không ít cặp vợ chồng trẻ mới tách hộ cũng cố "xin" được nghèo để được hỗ trợ xây nhà theo các Chương trình 134, 167.

Tại Lào Cai cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Dương Hồng Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: "Những ngày qua, toàn bộ cán bộ của xã đều được huy động xuống thôn, bản để giám sát việc bình xét hộ nghèo. Qua đó cho thấy, công tác bình xét rất căng thẳng, nhiều thôn còn đòi bỏ phiếu kín. Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết không cho bỏ phiếu kín, bởi nếu làm như thế, hộ nào không có họ hàng trong thôn sẽ dễ bị gạt ra".

Để người nghèo tự “câu cá”

Căn nhà của bà Nguyễn Thị T ở thị trấn Hương Nộn (Tam Nông, Phú Thọ) những ngày gần đây bao trùm không khí đau buồn khi người con trai duy nhất của bà bị kẻ xấu sát hại. Gia đình vừa thoát khỏi diện hộ nghèo, nhưng lao động chính là con trai bà đã không còn, để lại cho bà một đứa cháu hơn 1 tuổi cùng cô con dâu ốm yếu.

Cán bộ xã và thôn cho biết, đợt bình xét này sẽ đề xuất bà vào diện hộ nghèo. Đối với những hoàn cảnh như bà T hay nhiều người bệnh tật khác, hầu như không thể thoát được nghèo nếu không có sự hỗ trợ.

Thực tế của gia đình bà T cho thấy, đúng là tiêu chí giữa hộ nghèo với cận nghèo hay ngay cả hộ khá giả ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cách biệt rất nhỏ. Chỉ cần một người bị ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo hay bị chết vật nuôi, mất mùa... là đã có thể đẩy họ vào diện nghèo. Tuy nhiên, nếu cứ hỗ trợ với một chính sách "cào bằng" thì có thể sẽ tạo ra mặt trái là sự ỷ lại của người nghèo.

Main bảo, để được thừa nhận và có thể sống thật là mình, cần phải vượt qua mặc cảm của chính mình, sống vui vẻ và có ích. Nếu mình sống tích cực thì không cớ gì những người khác lại nhìn nhận mình tiêu cực.

Là người nhiều năm gắn bó với công tác an sinh xã hội ở Lào Cai, ông Phạm Văn Tỵ - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, chính sách cho an sinh xã hội của Việt Nam đã đạt được kết quả rất tốt và được thế giới công nhận. Tuy nhiên, một số chính sách khi triển khai kiểu "cho không" đã có những mặt trái, tạo sức ì. "Những người nghèo do hoàn cảnh, đau ốm, bệnh tật... không thoát nghèo được đã đành, người còn sức khoẻ mà ỷ lại, lười phấn đấu thì chính sách hỗ trợ cũng cần phải xem lại" - ông Tỵ nhấn mạnh.

Kết quả thực hiện Đề án Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2006 - 2010 tại Lào Cai cho thấy, mặc dù tỷ lệ giảm nghèo cao (bình quân 5,26%/năm) nhưng lại không bền vững, tỷ lệ tái nghèo cũng lớn (khoảng 1,2%/năm); cán bộ công tác xóa đói, giảm nghèo còn thiếu và yếu, năng lực vận động hạn chế; một bộ phận người nghèo, cả cán bộ cơ sở còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước và cấp trên...

Vì vậy, theo ông Tỵ, Sở LĐTBXH Lào Cai đang định hướng nhiều hình thức hỗ trợ người nghèo: Với những hộ ốm đau, neo đơn sẽ có các chính sách bảo trợ; còn với những hộ có khả năng lao động thì hỗ trợ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập mang tính lâu dài. Nhiều người dân còn có ý kiến, với những hộ có khả năng lao động, sau một thời gian hỗ trợ mà không tiến bộ, thì thậm chí còn phải có chế tài để họ bớt ỷ lại, lười biếng.