Sau khi xuất hiện thông tin trên, Xiaomi đã ngay lập tức lên tiếng. Họ cho rằng tiêu chuẩn châu Âu chỉ áp dụng cho các sản phẩm chăm sóc và đồ dùng em bé, do đó việc áp dụng tiêu chuẩn này trên ốp lưng điện thoại là không phù hợp. Tuy nhiên, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Thâm Quyến cho rằng, trẻ em thường có xu hướng cắn vào ốp lưng, do đó việc áp dụng một tiêu chuẩn nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe là điều cần thiết.
Những ốp lưng độc hại này đều được bán chính thức thông qua các kênh ủy quyền của Apple, Xiaomi… tại Trung Quốc.
Cụ thể trong sự việc lần này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã điều tra 30 mẫu smartphone thuộc 28 thương hiệu phổ biến như Apple, Xiaomi, Huawei,… Kết quả cho thấy có 7 ốp lưng của 5 thương hiệu điện thoại chứa các chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn châu Âu, là Apple, Xiaomi, Tiya, Yuening và Q-Guo.
Trung Quốc là thị trường smartphone lớn nhất thế giới với gần 450 triệu máy được bán ra vào năm ngoái. Tuy nhiên, số lượng ốp lưng bán ra sẽ cao hơn gấp nhiều lần điện thoại. Thực tế cho thấy, 75% người tiêu dùng Trung Quốc mua ốp lưng và thay đổi chúng thường xuyên hơn so với điện thoại.
Các chất độc hại được tìm thấy chủ yếu là chất hóa dẻo và hydrocarbon thơm, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, thậm chí dẫn đến ung thư. Chẳng hạn, plasticiser trong vỏ bọc điện thoại Xiaomi đạt mức 17%, gấp 170 lần mức an toàn 0,1% do các nhà quản lý châu Âu xác định. Trong khi đó, ốp lưng điện thoại của Apple có giá khoảng 45 USD cũng chứa hàm lượng chất độc hại cao hơn 50 lần so với tiêu chuẩn an toàn.