Để làm rõ về "cây chuối lạ" này, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi ngắn với TS Nguyễn Văn Nghiêm - Trưởng bộ môn Cây ăn quả (Viện Nghiên cứu rau quả, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).
TS Nghiêm là một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về cây chuối. Ông cho biết: Những cây chuối có hàng trăm nải thực chất là một giống chuối bình thường, chứ không phải hiện tượng gì đột biến, đặc biệt. Giống chuối này được gọi là Chuối trăm nải. Gọi là trăm nải không có nghĩa giống chuối này có đúng 100 nải mà có nghĩa là có rất nhiều nải, có thể có 100 thậm chí là hàng trăm nải.
Một cây chuối trăm nải được trồng ở xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam. |
Ông có thể cho biết rõ hơn về xuất xứ và đặc tính của giống chuối này?
- Đây là giống chuối có từ lâu đời ở trong nước chứ không phải là giống chuối của nước ngoài; được trồng rải rác ở cả đồng bằng và miền núi. Tuy nhiên, nó không có giá trị lắm về mặt kinh tế, vì phần ăn được rất ít và quả rất nhỏ.
Viện đã có nghiên cứu, khảo sát về giống chuối này chưa, thưa tiến sĩ?
- Chúng tôi nghiên cứu nhiều và đã có đánh giá. Hiện ở viện cũng có một số cây để phục vụ mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, như đã nói, đây là giống chuối không có hiệu quả kinh tế nên không nhân rộng. Chính bà con nông dân biết đến cây chuối này cũng không trồng nhiều, thỉnh thoảng mới thấy một vài cây.
Vậy, ông có lời khuyên nào cho bà con nông dân?
- Bà con nên ít quan tâm đến cây chuối hàng trăm nải này. Nếu vì mục đích kinh tế, để ăn quả thì không nên trồng. Nếu muốn, bà con cũng có thể trồng để làm cảnh.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Sỹ Lực (thực hiện)