Chủ đầu tư Dự án Cầu Bạch Đằng cho biết, hiện các nhà thầu đang chuẩn bị tích cực để thi công khối đúc hẫng bê tông dầm cầu cuối cùng, cầu Bạch Đằng sẽ chính thức hợp long vào ngày 28.4 sắp tới.
Công nhân thực hiện căn chỉnh cáp tại đốt đúc thứ 11, cầu Bạch Đằng (Ảnh: Đỗ Phương)
Đến thời điểm này, tại các trụ tháp đã hoàn thành thi công xong 11/11 đốt đúc hẫng, vị trí xa nhất của cầu hiện tại chỉ còn 3,8m nằm tại khối đúc hợp long giữa các trụ cầu. Hiện các nhà thầu đang thực hiện căng chỉnh cáp tại khối đúc 11, di chuyển xe đúc về khối hợp long và vận chuyển sắt thép để tiến hành làm sắt. Theo kế hoạch, khối hợp long sẽ đổ bê tông 2 lớp như các khối đúc khác với tổng số 76m3 bê tông tại mỗi khối. Từ ngày 23.4 sẽ bắt đầu đổ bê tông lớp 1 và chính thức hợp long cầu chính vào ngày 28.4.
Tại các hạng mục khác đang thi công cấp phối đá dăm và thảm nhựa mặt đường, hoàn thành trong tháng 4/2018. Trong giai đoạn 2 tháng còn lại, nhà thầu tập trung thi công hoàn thiện dự án, hệ thống ATGT và chính thức kết thúc thi công vào 31.6.2018.
Cầu Bạch Đằng được đầu tư theo hình thức BOT với kinh phí khoảng 7.200 tỷ đồng do Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư.
Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Bạch Đằng từ khu vực quận Hải An, TP.Hải Phòng đến xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Cầu nối liền tuyến đường cao tốc Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến có chiều dài 5,4 km, rộng 25 m, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 100 km/giờ. Riêng cầu Bạch Đằng dài 3 km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8. Cầu có ba trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74 m, trụ tháp hai bên cao 94,5 m với bốn nhịp cầu dây văng. Khi thông cầu, quãng đường di chuyển Hà Nội-Hạ Long còn 130 km (trước là 180 km); Hải Phòng-Hạ Long còn 25 km (trước là 75 km). |