Trong không khí Ngày Sách Việt Nam diễn ra sôi nổi khắp cả nước, sáng 19/4 giới xuất bản khắp trong Nam, ngoài Bắc đã tề tựu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam tham dự lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam lần thứ nhất.
Ghi nhận, đóng dấu thương hiệu cho NXBTừ TP HCM ra Hà Nội, bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc NXB Tổng hợp TP HCM - khuôn mặt rạng rỡ khi cầm trên tay hai tấm bằng đỏ chứng nhận đoạt giải.
NXB Tổng hợp TP HCM bội thu tại mùa giải này, khi có tới hai cuốn đoạt giải A, gồm: Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (Nguyễn Hạnh chủ biên) đạt giải A Sách Đẹp, và Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859-1954) của tác giả Nguyễn Đình Tư đạt giải A Sách Hay.
Bà Thanh Thủy nói: “Trước tiên, giải thưởng là niềm vinh dự, sau đó là cảm giác hài lòng với thành quả của cả tập thể, gồm có tác giả, các biên tập viên, các bạn thiết kế dàn trang, làm bìa…"
"Khi một sản phẩm ra đời được công chúng đón nhận, đó là một niềm vui với nhà xuất bản rồi. Khi tác phẩm đó đạt được Giải thưởng Sách Quốc gia, thì có một cảm giác cao hơn, đó là tự hào”, bà khẳng định.
Với một đơn vị làm sách, bà Thanh Thủy nói giải thưởng là một lần ghi dấu, xác nhận, đóng dấu thương hiệu cho nhà xuất bản. Giải thưởng tạo điều kiện cho bạn đọc biết đến cuốn sách nhiều hơn, lan tỏa sách đến bạn đọc.
Là đơn vị nhiều lần có sách đạt Giải thưởng Sách Việt Nam trước đây nhưng các thành viên NXB Kim Đồng vẫn xúc động, vui mừng khi tiếp tục được tôn vinh ở Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay.
Chị Thùy Linh - đại diện NXB Kim Đồng - cho biết ở những năm trước, các cuốn sách như John đi tìm Hùng, bộ tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng khi phát hành đều được nhiều bạn đọc yêu thích. Việc sách được trao giải chứng tỏ con mắt xanh của những người chấm giải.
“Kế thừa uy tín, thành quả của Giải thưởng Sách Việt Nam, Giải thưởng Sách Quốc gia thể hiện tầm vóc của một giải thưởng lớn trong ngành sách. Đặc biệt, giải thưởng có tiểu ban riêng dành cho thiếu nhi, điều đó khẳng định sự quan tâm tới bạn đọc nhỏ tuổi”, Thùy Linh nói.
Động lực với tác giả sáchKhông chỉ thẩm định, kiểm chứng, góp phần tạo nên thương hiệu một nhà xuất bản tốt, Giải thưởng Sách Quốc gia còn là một nguồn động viên với các tác giả, những người thầm lặng làm nên trang sách.
GS. TS. Kiều Thu Hoạch nhận giải A Sách Hay. Ảnh: Việt Hùng
GS. TS. Kiều Thu Hoạch là tác giả của một trong ba cuốn sách đạt giải A Sách Hay. Với một người làm khoa học như ông, việc nghiên cứu hàng ngày, viết các công trình nghiên cứu rồi in thành sách là một việc làm bình thường. Nhưng khi cuốn sách được trao giải, đó là một niềm vui lớn của người viết sách.
Ông nói: “Tôi thấy vui vì được cộng đồng đón nhận, được các thành viên Hội đồng giám khảo là các nhà khoa học, đọc và thừa nhận công trình của mình. Bên cạnh niềm vui, đó còn là động lực cho những người viết sách”.
Với nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, đây không phải lần đầu ông được nhận giải thưởng về sách. Trước đó, ông đã một lần nhận giải Vàng Sách Hay, một lần nhận giải Đồng Sách Hay ở Giải thưởng Sách Việt Nam. Năm nay, cuốn Vietnam Tradition and Change của ông đạt 2 giải: giải C Sách Hay và giải B Sách Đẹp.
Với Hữu Ngọc, giải thưởng thêm một lần nữa ghi nhận những đóng góp của ông với sự nghiệp quảng bá văn hóa Việt Nam, như cái tên mà người ta vẫn gọi ông là “người xuất - nhập khẩu văn hóa”.
Là những người làm việc thầm lặng sau trang sách, những người làm công tác in ấn rất ít khi được nhắc tên khi người ta nói về một cuốn sách nào đó. Thế nhưng, ở Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam, những người làm nên các trang sách đẹp cũng được tôn vinh.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch công ty TNHH MTV In Tiến Bộ, đơn vị được trao giải B Sách Đẹp cho cuốn Tri thức Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc - cho biết giải thưởng là một vinh dự với nhà in.
Là một đơn vị in có lịch sử 70 năm với nhiều phần thưởng và danh hiệu, ông nhấn mạnh Giải thưởng Sách Quốc gia là niềm tự hào, vì nó nâng cao uy tín nhà in.
Để Giải thưởng Sách Quốc gia ngày một hoàn thiện
Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam được hầu hết giới xuất bản đánh giá là một giải thưởng quy mô nhất trong ngành sách. Từ thực tiễn quá trình làm việc, những người làm sách đưa ra các góp ý, đề xuất để Giải thưởng ngày một hoàn thiện.
Theo một số người làm sách, giải thưởng nên có hạng mục cho các biên tập viên - những "bà đỡ" thầm lặng làm nên những cuốn sách tốt. Trong ảnh là những cuốn sách đạt giải A Sách Hay. Ảnh: Việt Hùng
Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc NXB Tổng hợp TP HCM - nói: “Nếu cho phép những đề xuất, kiến nghị với Ban tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia, thì chúng tôi đề xuất có thêm hạng mục".
"Chúng ta đã có những giải thưởng khen tác giả, NXB; với tư cách người làm nghề, chúng tôi mong giải có thêm hạng mục cho biên tập viên. Đó là những người âm thầm đứng đằng sau trang sách cũng rất quan trọng khi làm nên một cuốn sách tốt”, bà nhấn mạnh.
Đối với sách đẹp, bà Thanh Thủy đề nghị Giải không chỉ khen người làm bìa đẹp, mà cả người dàn trang, thiết kế ruột sách.
Đại diện một nhà xuất bản lớn trong ngành sách cho rằng giới xuất bản tin tưởng và luôn mong Giải thưởng Sách Quốc gia trở thành giải uy tín nhất. Để giải ngày một hoàn thiện, vị đại diện này đưa ra đề xuất có thêm hạng mục cho những cuốn sách được nhiều người đón nhận.
“Những cuốn sách được bạn đọc đón nhận nhiều nhất, đó là những cuốn thực sự được đọc, độc giả thực sự cần, ta nên tôn vinh những sách ấy. Rồi có nên trao giải kiểu giải cóc xanh cho những cuốn sách quá tệ, như một cách để giới xuất bản cùng nhìn vào rút kinh nghiệm không…”.
Cũng theo vị đại diện nhà xuất bản này, năm nay Giải thưởng Sách Quốc gia đã làm việc chặt chẽ, chọn ra những cuốn sách giá trị. Nhưng việc cần làm sau đây là cần lan tỏa những giá trị đó, chứ không phải đưa những giá trị lâu bền ấy cất vào trong tủ kính.