Dân Việt

Vụ thợ mỏ nghỉ việc bị đòi tiền thưởng tết: Luật sư nói gì?

Hoàng Trình 20/04/2018 20:00 GMT+7
Liên quan đến vụ việc thợ mỏ tại Công ty Than Uông Bí – TKV bị truy thu tiền thưởng tết sau khi nghỉ việc, luật sư Đặng Quốc Anh - Giám đốc Công ty luật An Thành cho rằng, việc làm của doanh nghiệp như vậy là chưa đảm bảo các điều khoản quy định của Bộ luật lao động năm 2012.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, Luật sư Đặng Quốc Anh, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư Quảng Ninh cho biết, Bộ luật lao động ban hành năm 2012 đã quy định rất rõ về việc trả lương, thưởng và chế độ nghỉ phép của người lao động. Cụ thể tại chương IV quy định về tiền lương, số tiền người lao động được nhận trên cơ sở hợp đồng lao động gồm: Tiền lương, tiền thưởng, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương nghỉ việc...

img

Thợ lò than Công ty than Uông Bí kiểm tra trang bị trước khi xuống lò.

Theo điều 100, người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thoả thuận. Còn tại điều 103 quy định tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động.

img

Khai trường tại Giếng nghiêng phụ mức +26.7 đến -150.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết liên tịch số 606/NQLT-TUB do Giám đốc Công ty than Uông Bí ban hành vào 22.1.2018 về việc nghỉ lễ và bổ sung tiền lương tháng 2 năm 2018 nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Trong đó có nội dung, bổ sung tiền lương tháng 2.2018 cho toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty có tên trong danh sách lao động đến ngày 31.1.2018. Cán bộ, công nhân viên đã được lĩnh tiền tết mà trong năm 2018 xin chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ việc không lý do, hoãn hợp đồng lao động từ 30 ngày trở lên thì công ty sẽ truy thu tiền đã phân phối, tính theo tháng không tham gia sản xuất.

Như vậy tiền tết của cán bộ, công nhân Công ty than Uông Bí không nằm trong khoản tiền tạm ứng hay tiền khấu trừ do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị. Vì vậy, số tiền bổ sung lượng tháng 2.2018 hay gọi là tiền thưởng tết Nguyên đán mà công ty đã phát cho người lao động không có căn cứ pháp luật để truy thu lại.

Ngoài ra tại Điều 111 quy định người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Như vậy, sau khi thợ mỏ tại Công ty than Uông Bí có thời gian làm việc đủ 12 tháng thì có quyền nghỉ phép và hưởng nguyên lương.  Việc Công ty than Uông Bí truy thu lại tiền nghỉ phép cũng chưa có đủ căn cứ pháp luật.

img

Nghị quyết liên tịch mà công ty than Uông Bí ban hành không dựa theo các quy định của Bộ luật lao động nên chưa có đủ căn cứ pháp luật để thực hiện.

Luật sư Đặng Quốc Anh cho rằng, Nghị quyết liên tịch mà công ty than Uông Bí ban hành không dựa theo các quy định của Bộ luật lao động nên chưa có đủ căn cứ pháp luật để thực hiện. Việc làm này ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Sự việc bất cập như vậy nhưng phía Công đoàn công ty không lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động mà lại cùng ký và Nghị quyết liên tịch là thiếu trách nhiệm.

Trước đó, nhiều thợ mỏ làm việc tại Công ty Than Uông Bí – TKV phản ánh, khi họ xin chấm dứt hợp đồng lao động thì bị Công ty đòi lại tiền thưởng tết và truy thu tiền nghỉ phép năm.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Ngọc Hưng - Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. Hạ Long cho rằng, đây có lẽ là cách Công ty than Uông Bí – TKV dùng để giữ chân người lao động. Có thể khẳng định đây là cách làm tiêu cực. Để giữ chân công nhân lao động, thay vì doanh nghiệp nâng lương, cải tiến kỹ thuật, cải thiện môi trường làm việc, xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì lại đi truy thu tiền thưởng tết khi công nhân nghỉ việc. Cách làm này không những không giữ chân được công nhân mà còn gây ức chế, búc xúc cho người lao động.