Phải xin lỗi và trả lại tiền cho dân
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Lê Anh Xuân Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cho biết, hiện UBND TP Thanh Hóa đã nắm được thông tin về vụ việc các hộ chăn nuôi trâu bò ở xã Thiệu Dương phải đóng 100.000 đồng/mỗi con trâu, bò ra đồng ăn cỏ và đặt cọc tiền theo tỷ lệ số trâu, bò cho HTX dịch vụ Minh Anh.
“UBND thành phố đã giao cho Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế Lê Trọng Thụ tổ chức đoàn kiểm tra xuống xã Thiệu Dương để kiểm tra sự việc. Chậm nhất là chiều hôm nay (20.4), thành phố sẽ có kết quả kiểm tra để báo cáo Sở Thông tin- Truyền thông và UBND tỉnh Thanh Hóa về nội dung nêu trên.”- ông Xuân cho biết.
Nông dân nuôi càng nhiều trâu, bò thì càng phải đóng nhiều "tiền thế chấp chăn thả" cho HTX dịch vụ Minh Anh. Ảnh HĐ
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) khẳng định: “Việc thu phí trâu bò là không đúng quy định của pháp luật. Trong tuần tới xã HTX Dịch vụ Minh Anh sẽ phải xin lỗi và trả tiền lại cho 19 hộ dân.
Cũng theo ông Tuấn, kết quả xác minh Hợp tác xã dịch vụ Minh Anh thu phí chăn thả trâu, bò của người dân là có thật. “Sau khi báo chí đưa tin về vụ việc, UBND xã Thiệu Dương mời lãnh đạo của HTX này lên làm việc và báo cáo sự việc cụ thể về việc thu phí trâu bò. Việc thu này là không đúng quy định pháp luật. Quy ước đồng điền không ai quy định thu tiền này. Quy ước này chỉ quy định cho những việc xử lý các hành vi vi phạm hoa màu trên khu vực đồng ruộng của bà con. UBND xã yêu cầu HTX dịch vụ Minh Anh phải mời 19 hộ dân đã nộp tiền để xin lỗi bà con và trả lại toàn bộ tiền cho dân đã nộp trong tuần tới”.
Muốn đưa trâu ra đồng, phải đóng 400.000 đồng
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, Theo phản ánh của người dân xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa), HTX Dịch vụ Minh Anh hiện đang ép người dân phải đóng những khoản vô lý, nếu muốn nuôi trâu, bò và đem ra đồng chăn thả thì phải nộp tiền cho HTX này.
Phóng viên Dân Việt vào cuộc và xác minh có chuyện người dân xã Thiệu Dương đang phải đóng cho HTX Dịch vụ Minh Anh phí đồng cỏ và thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm. Cụ thể, mức phí đồng cỏ là 100.000 đồng/con/năm; thế chấp tiền chăn thả gia súc, gia cầm thu theo từng mức độ khác nhau. Hộ có 1 đến 3 con trâu, bò thu 300.000 đồng; từ 3 đến 5 con, mức thu 500.000 đồng; từ 5 đến 10 con thu 1.000.000 đồng và hộ từ 10 con trở lên thu 2.000.000 đồng.
Người dân xã Thiệu Dương phản ánh với Dân Việt về việc bị thu phí chăn thả gia súc. Ảnh: PV
"Từ khi Hợp tác xã Dịch vụ Minh Anh hoạt động, chúng tôi phải nộp phí đồng cỏ cho hợp tác xã này nếu muốn nuôi trâu, bò. Chúng tôi cũng chẳng biết hợp tác xã lôi đâu ra cái “quy ước đồng điền” để bắt chúng tôi phải đóng phí đồng cỏ, tiền thế chấp chăn thả gia súc. Chúng tôi đã đấu tranh rất nhiều nhưng cuối cùng họ vẫn ép chúng tôi phải đóng. Nếu nhà nào không tuân theo, HTX sẽ cấm chăn thả trâu, bò ra ngoài đồng, bãi cỏ. Ai muốn nuôi trâu, bò thì nhốt ở nhà mà nuôi chứ không được lùa chúng ra đồng gặm cỏ nêu không nộp phí cho hợp tác xã” - ông T, một người dân cho biết.
Làm việc với phóng viên, ông Dương Đình Minh - Giám đốc HTX Dịch vụ Minh Anh nói việc Hợp tác xã thu phí trên là theo quy ước đồng điền và có từ lâu.
"HTX thu tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm của những hộ có trâu, bò là trên tinh thần tự nguyện đóng góp và có văn bản họp dân, dựa trên quy ước đồng điền của làng từ xưa đến nay" - ông Minh nói.
“Những năm trước, tình trạng một số hộ dân nuôi thả gia súc bừa bãi phá hoại hoa màu, bờ vùng, bờ thửa của người dân thường xuyên diễn ra. Tháng 12.2017, HTX tiếp nhận bàn giao từ UBND xã và đã tổ chức họp các hộ chăn nuôi và đưa ra phương án thu 100.000 đồng/con, nộp một khoản tiền thế chấp theo tỉ lệ nhất định.
“Đến cuối năm, chúng tôi sẽ hoàn trả số tiền đã thế chấp nếu hộ đó không để gia súc phá hoại hoa màu của người dân. Tất cả các hộ dân đã đồng ý thống nhất trong hội nghị mà” - ông Minh khẳng định.
Phiếu thu tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm của HTX dịch vụ Minh Anh. Ảnh: PV
Mua mới máy gặt, đưa máy gặt vào sử dụng cũng phải nộp phí
Đặc biệt, qua tìm hiểu của PV Dân Việt, liên quan tới vụ thu phí trâu bò tại Thanh Hóa, tìm hiểu của phóng viên Dân Việt những ngày qua, tại đây, Hợp tác xã Minh Anh không chỉ thu phí trâu bò vô lý mà tới máy gặt, máy lồng của nông dân cũng phải đóng tiền "cọc" cho hợp tác xác này khi muốn đầu tư mới.
Cụ thể, những hộ dân có máy gặt, máy lồng phải đóng 5 triệu đồng thế chấp cho hợp tác xã, ngoài ra mỗi máy còn phải đóng thêm 10%/đầu sào phí dịch vụ.
Ngoài phí chăn thả trâu bò, nông dân đưa máy gặt ra đồng phải đóng phí. Ảnh minh họa
Anh T - nông dân tại xã Thiệu Dương bức xúc nói với phóng viên Dân Việt: “Chúng tôi tự bỏ tiền ra mua máy về phục vụ cho bà con nhưng phải đóng những loại tiền vô lý này cho HTX. Cũng chẳng hiểu được là cái "quy ước đồng điền" mà HTX đưa ra có đúng với quy định của pháp luật hay không nhưng nếu như chúng tôi không đóng tiền, họ sẽ cô lập, thâu tóm hết cả cánh đồng không cho chúng tôi đưa máy gặt ra đồng".
Về việc này, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Giám đốc Hợp tác xã Dương Đình Minh biện lý: “Đối với các hộ có máy gặt, máy lồng thì bắt buộc phải nộp tiền thế chấp. Lý do vì chủ máy mỗi khi đưa máy ra đồng sẽ làm ảnh hưởng đến bờ vùng, bờ thửa và hệ thống mương thủy lợi. Nếu làm hư hỏng bờ vùng, bờ thửa và hệ thống thủy lợi mà không tự sửa chữa, thì chủ máy phải chịu trừ vào khoản tiền đã đặt cọc để HTX sửa chữa bờ vùng, bờ thửa cho nhân dân”.