Người dân mong có lộ trình dài
Tại cuộc đối thoại ngày 19.4, có rất nhiều kiến nghị của các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh đưa ra xoay quanh vấn đề: Cắt giảm ô, lồng bè nuôi nhuyễn thể; di chuyển tàu xi măng ra khỏi các vịnh; trẻ em và người già bắt buộc phải ở trên bờ.
Phần lớn các chủ cơ sở đều cho rằng có dự án đầu tư nên họ bị cưỡng chế và các chủ cơ sở có mặt đều kiến nghị huyện nên có lộ trình thực hiện dài khoảng 10 năm nữa tạo điều kiện cho bà con sản xuất thu hồi vốn.
Theo anh Đinh Chính Tới (SN 1976), nuôi ngao và cá lồng bè trên Vịnh Lan Hạ từ năm 2003 đến nay ý kiến: Thời gian tôi gắn bó, mưu sinh từ việc nuôi trồng thủy sản cũng hơn chục năm nay. Đầu tư vốn và công sức vào nuôi trồng thủy sản từ trước đó còn được khuyến khích. Nhưng do nhu cầu phát triển du lịch, địa phương kiên quyết cắt giảm, sắp xếp các ô lồng bè nuôi trên các vịnh. Trước thực tế này, sinh kế của các hộ sẽ ra sao? Hiện, kế hoạch, chính sách hỗ trợ có thỏa đáng hay không?
Anh Đính Chính Tới phát biểu tại buổi đối thoại.
Bà Phạm Thị Lan, trú tại thị trấn Cát Bà, cơ sở nuôi thủy sản bằng ô, lồng bè trên Vịnh bày tỏ: Việc nuôi con nhuyễn thể không gây ảnh hưởng tới môi trường nước mà nó còn góp phần lọc nước rất tốt nên địa phương xem xét lại việc qui hoạch lại các ô, lồng bè nuôi trên vịnh. Đồng thời cũng phản đối việc dẹp bỏ các tàu xi măng ra khỏi vịnh.
Hoàn toàn không có việc đẩy người dân đi
Đối thoại với các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có mặt tham dự, ông Nguyễn Văn Chương - Bí thư Huyện ủy huyện Cát Hải cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà phát triển nhanh chóng về số lượng. Đây là nguồn cung cấp thực phẩm hải sản tươi sống cho huyện đảo cũng như cả TP.Hải Phòng.
Nghề này cũng giúp cải thiện đời sống người dân, tăng nguồn thu nhập, tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt lợi, nghề nuôi trồng thủy sản đã và đang ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng tới môi trường sinh thái biển cũng như trật tự trên các vịnh. Cụ thể:
Nguồn thức ăn tạp trong nuôi thủy sản được chế biến thủ công tích tụ kết hợp với chất thải sinh hoạt của người dân trên các lồng bè ngày càng tăng (gần 1.300 người), cùng nhiều vật nuôi sinh sống tại đó tạo lượng chất thải rất lớn trực tiếp xuống biển. Đợt cao điểm, rác thải thu gom từ ô lồng bè tới 10m3/ngày chưa kể lượng rác trôi dạt trên vịnh.
Các tàu hỏng bỏ ngổn ngang tại vịnh Lan Hạ.
Tình trạng nuôi tự phát phổ biến, các lồng bè quá sát nhau và dày đã hạn chế tốc độ của dòng chảy, làm giảm mức độ trao đổi, làm sạch nước, tăng nguy cơ dịch bệnh. Không chỉ vậy mà rất gây mất mỹ quan.
Việc sử dụng, chở hàng vạn khối cát từ nơi khác về phục vụ nuôi hải sản đã làm thay đổi môi trường tự nhiên đáy vịnh, xuất hiện nhiều loại vi tảo gây bệnh, ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản tự nhiên như tu hài, hàu,… Hiện tượng thủy triều đỏ và dịch bệnh hải sản liên tiếp xuất hiện ở một số khu vực như Hang Vẹm, Vụng O,… gây thiệt hại lớn đến kinh tế các hộ nuôi.
Đặc biệt, các hộ nuôi ngao và tu hài sau vụ thu hoạch thường vứt ngổn ngang các vật dụng ở khắp nơi như trên bãi, dưới đáy biển, chân núi, trên các lồng bè nhìn rất phản cảm.
Các vật dụng chất đống tại chân núi sau thu hoạch của các hộ nuôi hải sản trên vịnh Lan Hạ.
Một thực tế khác nữa đó là gần 90 tàu xi măng đỗ ngổn ngang trên các vịnh được tận dụng với các mục đích khác nhau. Chiếc thì đựng rác chưa kịp vứt, một số dùng chứa đồ sinh hoạt, một số dùng nuôi gia súc, một số chứa nước hoặc cấy giống nhuyễn thể,… Số tàu nêu trên đều không có đăng kiểm, không có giấy phép hoạt động và không có đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật.
Tàu xi măng đỗ ngổn ngang, vật dụng thu hoạch để trên giàn tre gây phản cảm trong mắt khách du lịch.
Tiếp theo là việc người già và trẻ em sinh sống trên các bè sản xuất không đảm bảo, nảy sinh nhiều tiêu cực. Nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, trường hợp người già ốm đau, bệnh tật không kịp đi cấp cứu, chữa trị phải bỏ mạng nơi sông nước,…
Chính bởi những bất cập nêu trên huyện phải kiên quyết, triệt để trong việc thực hiện cắt giảm, di dời, sắp xếp ô lồng bè, giàn bè; di dời các tàu xi măng ra khỏi vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tạo môi trường vịnh xanh, sạch, đẹp đáp ứng với các tiêu chí để đề nghị UNESCO công nhận “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới", góp phần quan trọng vào phát triển du lịch và kinh tế, xã hội bền vững của địa phương.
Với việc phần lớn các chủ cơ sở kiến nghị huyện nên có lộ trình thực hiện dài khoảng 10 năm nữa tạo điều kiện cho bà con sản xuất thu hồi vốn, ông Chương cho biết: Việc nuôi trồng thủy, hải sản với hình thức tự phát bằng ô lồng bè trên các vịnh đã có chủ trương hạn chế từ khi thành lập Ban quản lý các vịnh từ năm 2009. Tuy nhiên, các chủ cơ sở không chấp hành theo quy định mà vẫn tự phát trong đầu tư, mở rộng nuôi hải sản. Nên kiến nghị của người dân về việc kéo dài lộ trình là không hợp lý.
Huyện đã có lộ trình cụ thể như sau: Trước ngày 30.6.2018, chấn chỉnh xử lý đưa các tàu xi măng, phương tiện khai thác, cơ sở sửa chữa cơ khí ra khỏi vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ; chấm dứt nuôi nhuyễn thể trên giàn bè trước ngày 30.6.2018 và chấm dứt nuôi nhuyễn thể trên các bãi triều, rạn ngầm trên các vịnh khôi phục tầng đáy trước ngày 30.11.2018.
Trước ngày 30.11.2018, cắt giảm 30% cơ sở nuôi và số ô lồng nuôi thủy sản, tương ứng 92 cơ sở với gần 1.700 ô nuôi. Từ năm 2019 đến 2021 tiếp tục cắt giảm 260 cơ sở nuôi tương ứng với 6.000 ô lồng nuôi thủy sản.
Chủ trương của địa phương thống nhất để các chủ cơ sở thu hoạch hết vụ hè này. Lãnh đạo huyện cũng khẳng định, hoàn toàn không có việc có dự án đầu tư nên mới kiên quyết với việc cắt giảm việc nuôi hải sản trên các vịnh.
Trao đổi với ông Nguyễn Công Hòa, Giám đốc Ban quản lý (BQL) các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà về các vấn đề nêu trên, ông Hòa cho biết: Để đảm bảo cho cuộc sống của người dân tại các cơ sở nuôi khi cắt giảm, di dời, sắp xếp các ô lồng nuôi và di chuyển các tàu xi măng ra khỏi các vịnh, BQL các vịnh cũng đã báo cáo, đề xuất với cấp huyện và thành phố.
Cấp huyện cũng đã có những đề xuất và phối hợp chặt chẽ với các ngành đề xuất với UBND thành phố để xin ý kiến nhằm có chính sách thỏa đáng đối với các hộ nuôi nêu trên như: Xác định kết cấu hoàn chỉnh của ô, lồng nuôi; Kết cấu nhà chòi sinh hoạt; Hỗ trợ di chuyển ổn định đời sống sản xuất; Hỗ trợ lao động trực tiếp chuyển đổi nghề;…