Dân Việt

Đòn tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ nguy hiểm thế nào?

Duy Anh ( Theo Sputnik) 20/04/2018 19:30 GMT+7
Washington lo ngại phản ứng của Nga về việc tên lửa Mỹ bay qua lãnh thổ Nga. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia phân tích quân sự Andrey Koshkin bày tỏ ý kiến rằng, đã đến lúc Mỹ phải thay đổi ý định của mình.

img

Tên lửa Mỹ.

Mỹ đang nghiên cứu những vấn đề liên quan đến khái niệm "Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu". Trung tâm Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đã công bố bản báo cáo về nội dung này, RT đưa tin.

Cơ sở của khái niệm này là như sau: Mỹ phải có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên hành tinh trong vòng một giờ đồng hồ. Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu lo ngại rằng trong trường hợp Mỹ tấn công phi hạt nhân vào đối thủ tiềm năng, Nga và Trung Quốc sẽ đáp trả lại bằng tên lửa hạt nhân trong khi chưa kịp đánh giá đúng đắn nguy cơ đe dọa.  

Báo cáo giải thích thêm rằng, Mỹ đã từng có kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo bay qua Bắc Cực và về mặt lý thuyết,  trên đường tới mục tiêu quả tên lửa có thể bay qua lãnh thổ Nga và Trung Quốc. Để giảm bớt "nguy cơ Nga và Mỹ không hiểu hết ý nhau", các tác giả báo cáo đề nghị báo trước cho phía Nga về việc phóng tên lửa xuyên lục địa với đầu đạn phi hạt nhân hoặc thiết lập đường dây nóng đặc biệt để liên lạc với Nga sau khi phóng tên lửa.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia phân tích quân sự Andrey Koshkin, chủ nhiệm phòng khoa học chính trị và xã hội học trường đại học kinh tế Plekhanov, bình luận về hệ thống Prompt Global Strike đang được phát triển ở Mỹ:

"Mỹ đang chuẩn bị tấn công một quốc gia, mà họ không nói rõ là nước nào, nhưng, không hiểu tại sao quả tên lửa sẽ bay qua lãnh thổ của chúng tôi. Ở đây nảy ra câu hỏi: Những đòn tấn công như vậy có thực sự cần thiết? Có lẽ sẽ tốt hơn nếu các bên ngồi vào bàn đàm phán thay vì tập trung giải quyết vấn đề kỹ thuật với đưường dây nóng và "báo trước"? Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng, đã đến lúc thay đổi khái niệm cũ và tập trung suy nghĩ về an ninh chứ không phải về đòn tấn công chớp nhoáng vào một quốc gia khác",  ông Andrei Koshkin nói.

Theo ông, trong tình huống này, mối quan hệ chặt chẽ giữa các nước trở thành nhu cầu cần thiết và cấp bách.

"Hôm nay tình hình địa chính trị là căng thẳng đến mức tất cả các nước đều lo lắng về mức độ an toàn trên thế giới. Các chính trị gia nói nhiều về vấn đề này và cố gắng áp dụng những biện pháp làm giảm tình hình căng thẳng, còn các chuyên gia quân sự đang tìm cách ngăn chặn những xung đột có thể dẫn đến hậu quả bi thảm. Sau đây là ví dụ với cuộc tấn công tên lửa vào Syria: đã có ba kịch bản của vụ tấn công này. Kich bản cứng rắn nhất — tấn công tên lửa vào các căn cứ của Nga — đã bị bác bỏ  chủ yếu nhờ vào hoạt động tích cực của giới quân sự. Tức là, có thể nói rằng, khác với giới chính trị, giới quân sự nhận thức được rõ về hậu quả bi thảm của những quyết định chính trị thiếu cân nhắc. Và hôm nay việc thiết lập liên hệ chặt chẽ hơn là nhu cầu cần thiết và cấp bách", ông Andrey Koshkin nói.