Và lần “trêu” này của “thằng ranh con” xem ra còn bạo gan hơn, với live concert thứ 10 trong sự nghiệp: “Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng” (Trần Tiến - Dương Thụ - Phó Đức Phương - Nguyễn Cường), dự kiến diễn ra vào ngày 5 - 6.6 tới tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội. Một concept độc đáo, công phu mà phải đợi đến sự quyết liệt của giọng ca “Quê nhà” mới thành hình được!
Không phải là người đầu tiên mơ đến concept thú vị này nhưng anh lại là người đầu tiên biến được nó thành hiện thực, anh nghĩ là do may hay... khôn?
- Tôi nghĩ mình có duyên. Vì ngoài mối thân tình chú - cháu, “bố - con” ra thì hẳn là các chú đã có một niềm tin nhất định vào tôi. Như nhạc sĩ Dương Thụ từng dành cho tôi những lời khích lệ: “Bản lĩnh nghệ thuật quyết định sự thành bại của một nghệ sĩ. Tôi biết Tùng Dương từ lúc còn tuổi thiếu niên, nhưng tôi không thể hình dung cậu bé ấy lại được như bây giờ. Một nam ca sĩ thật sự của hôm nay, pha trộn được giữa sự đa dạng và tính độc đáo, có một con đường hoàn toàn toàn riêng biệt mang tính đương đại - điều mà nhiều giọng hát khác không làm được...”.
Hay như nhạc sĩ Trần Tiến mới đây đã gửi lời chúc phúc cho đêm nhạc này của tôi: “Không phải gửi quà gì biếu bố ngoài tâm hồn trong bài hát của bố. Món quà vô giá không phải ai cũng đổi được. Giữ sức cho cuộc đọ sức lâu dài, “cờ bạc ăn nhau về cuối”...”. Chính vì những niềm tin giàu tính khích lệ đó, từ những cái tên đáng kính trong nghề như chú Thụ, “bố” Tiến..., cũng như các đồng nghiệp trẻ và các fan ruột của mình mà càng lúc tôi càng phải riết róng tìm tòi những concept độc, lạ cho mỗi live show của mình, để khả dĩ “lần nào tới cũng mang theo bí mật”.
“Bộ tứ sông Hồng” là giấc mơ không chỉ của riêng tôi nhưng may mắn sao, cuối cùng tôi cũng đã chạm được vào giấc mơ đó. Với 4 cá tính âm nhạc riêng biệt và 4 sắc thái khác nhau, tôi hy vọng mình sẽ có được 4 màn “phân thân” hết sức thú vị, vừa nồng nhiệt, hào sảng, lại vừa tĩnh tại, mênh mang... mà trước nay tôi chưa từng có dịp được trải mình trong cùng một đêm nhạc.
Nếu coi đây là một bộ tranh tứ bình, anh sẽ “gọi tên bốn mùa” như thế nào?
- Thật khó mà phân định được ai trong 4 người là mùa xuân hay mùa hạ, mà dễ thường, tự trong mỗi người đã chứa đựng cả 4 mùa ấy, thì mới có thể tạo ra được những nhạc phẩm vượt thời gian và quyến rũ lòng người đến thế.
Tôi yêu “bố Tiến” vì cái chất du ca lãng tử của ông, rất bụi, rất đời (như “Tạm biệt chim én”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Vết chân tròn trên cát”, “Chị tôi”, “Mẹ tôi”, “Đen trắng”...), mà cũng lại có lúc thấm đẫm chất thiền trong đó (như các sáng tác về sau này: Sắc màu, Ra ngõ tụng kinh, Sen hồng hư không, Mưa bay tháp cổ...). Là thứ âm nhạc của thân phận, của cõi đời, nhạc của Trần Tiến có thể làm người ta khóc đấy cười đấy, hoặc thậm chí môi cười mà nước mắt vẫn chực rơi. Lạ lùng thay cho một con người có bề ngoài xù xì, hầm hố, mà lại có những câu “bỏ nhỏ”, “giác ngộ tính” đến lặng người, triết lý cuộc đời mà cứ tưng tửng như không...
Âm nhạc Dương Thụ trước nay vẫn được coi là “gia tài” của 4 chị diva nhưng nếu lặn sâu vào, sẽ thấy tận cùng của vẻ đẹp buồn trong trẻo dịu nhẹ ấy chính là sức mạnh của nam tính và sự từng trải, biết nuốt sâu nỗi đau vào bên trong, tận xuống lớp đáy dưới cùng. Lặng ngắm âm nhạc của Dương Thụ, với những “Bóng tối ly cà phê”, “Họa mi hót trong mưa”, “Im lặng”, “Tháng tư về”, “Gọi anh”, “Mong về Hà Nội”..., tưởng như người kể chuyện chỉ định nói mỗi chuyện chim muông hoa lá, người ta có cảm giác như đang đứng trước một bức tranh thủy mặc đẹp, buồn, tĩnh lặng, hoặc như khi ta bước vào một ngôi nhà Nhật được bài trí theo phong cách tối giản, giàu ẩn dụ, vừa gần gũi vừa xa vắng...
Cùng khai thác chất liệu văn hóa dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng ở mỗi tấm gương phản chiếu, Nguyễn Cường hay Phó Đức Phương lại ra hai bức chân dung khác hẳn nhau. Nghe những “Trên đỉnh Phù Vân”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Thần chim lạc”, “Bên dòng sông Cái”, “Chảy đi sông ơi”... của Phó Đức Phương, đủ biết cái tình của ông với quê hương đất nước, vừa phơi phới rộng mở, lại cũng vừa thăm thẳm ưu tư, dù có trèo non hay xuống bể thì cuối cùng cũng vẫn nặng tình với “bánh đa bánh đúc” quê mình.
Nguyễn Cường hào sảng, bụi bặm mà cũng lại hết sức bí ẩn như chính chiếc mũ phớt của ông. Mái đình làng biển, Hò biển, Đàn cầm dây vũ dây văn... thực sự là những “nét chạm trổ phượng long” đã khắc họa đậm nét bao “thăng trầm thời gian” cùng những “vui buồn của người Việt cổ”. Nhờ Nguyễn Cường mà người ta mới thêm lần nữa thấu suốt được tầm quan trọng và sức lay động mạnh mẽ của cái gọi là “bản sắc văn hóa Việt”
Bốn nhạc sĩ, cũng có thể gọi họ là những “tráng sỹ sông Hồng”, bằng cá tính riêng mạnh mẽ và tâm hồn lộng gió của mình, đã gom hết gió mây để tạc nên bức chân dung toàn cảnh không thể đẹp hơn về mảnh đất thiêng châu thổ sông Hồng mà họ được sinh ra và mãi mãi thuộc về.
Cả bốn người, dù cùng đi qua và nếm trải những hệ lụy, cú sốc của chiến tranh, hậu chiến, rồi những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, những thử thách của thời kinh tế thị trường..., nhưng kỳ lạ sao trong âm nhạc của họ, ta chỉ thấy những niềm vui phơi phới của những cánh buồm căng no gió, của những cái ngẩng đầu; hoặc nếu có buồn, thì cũng đều là những nỗi buồn thật đẹp, thật thoát tục, chứ chưa bao giờ bế tắc bi lụy, vụn vỡ hay bất mãn...
Ở cương vị của những người kế thừa và sáng tạo di sản âm nhạc mà các nhạc sĩ lớp trước đã để lại, tôi cho rằng “bộ tứ sông Hồng” đã hoàn thành một phiên đổi gác quá xuất sắc mà đó cũng chính là một phần lý do khiến một ca sĩ 8X như tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm viết tiếp bằng tiếng hát của mình.
Trừ Dương Thụ ra thì ba người còn lại đều có nhiều sáng tác đến từ các “đơn đặt hàng” của các địa phương, doanh nghiệp... Nhưng kết quả là nhạc Việt đã có được những “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Sen hồng hư không”, “Trên quê hương quan họ”..., hay nhiều ca khúc về Tây Nguyên nổi tiếng của Nguyễn Cường... Anh nghĩ sao về những “đơn đặt hàng” này?
- Thường thì sáng tạo sẽ không dễ đến từ những “đơn đặt hàng”, hoặc nếu có “ra” được, thì cũng rất dễ chết yểu hoặc bị khoanh vùng trong một phạm vi ảnh hưởng hẹp. Thế mới biết, các ông nhạc sĩ của chúng ta quá tài, quá duyên đi! Vì với những nghệ sĩ có tầm, thì suy cho cùng, đơn đặt hàng nào cũng đến từ cuộc sống...
Xin cảm ơn anh!
Cả bốn người, dù cùng đi qua và nếm trải những hệ lụy, cú sốc của chiến tranh, hậu chiến, rồi những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, những thử thách của thời kinh tế thị trường..., nhưng kỳ lạ sao trong âm nhạc của họ, ta chỉ thấy những niềm vui phơi phới của những cánh buồm căng no gió, của những cái ngẩng đầu; hoặc nếu có buồn, thì cũng đều là những nỗi buồn thật đẹp, thật thoát tục, chứ chưa bao giờ bế tắc bi lụy, vụn vỡ hay bất mãn... |