Dân Việt

Ngày về với những lo âu

27/10/2010 06:48 GMT+7
(Dân Việt) - Họ đã trở về với vòng tay gia đình trong niềm vui ngập tràn. Nhưng sau những giọt nước mắt đoàn tụ, sum vầy là những nỗi lo chồng chất.

Cảng số 1 Dung Quất - nơi gắn liền với Khu kinh tế - Dung Quất (Quảng Ngãi) nổi tiếng của miền Trung đã vỡ òa trong khóc cười khi chiếc tàu Cảnh sát biển vùng II Việt Nam 6006 lai dắt chiếc tàu Qng-66478 bé mọn, cũ kỹ và bầm dập cùng 9 ngư dân Lý Sơn vào bờ lúc 11 giờ kém 25 ngày 26-10.

Những ngày khó khăn đã qua

9 ngư dân phờ phạc sau hơn 40 ngày gặp nạn chạm chân vào đất liền. Mái tóc họ đỏ hoe vì cháy nắng, họ dáo dác tìm vợ con. Ngư dân Bùi Quang Hải đưa ánh mắt tìm kiếm về phía người thân. Lúc này trên bờ, nhiều phụ nữ bồng con ùa xuống cảng.

img
Niềm vui của ngư dân Nguyễn Đăng khi gặp lại vợ con.

Chị Phạm Thị Lành bồng đứa con mới 5 tháng tuổi vừa khóc, chỉ tay rối rít: "Ba kìa con! Anh ơi! Em và con đây!". Nước mắt làm nghẹn lời chị. Chị Nguyễn Thị Xý (49 tuổi) đã vượt qua tính cả thẹn của phụ nữ vùng quê lao đến ôm chầm chồng mình - Thuyền trưởng đầy rủi ro Mai Phụng Lưu- và hôn như không biết chung quanh mình là cả ngàn con người chen chúc.

Ngư dân Dương Quang Dũng vừa bước xuống khỏi cầu thang tàu thì vợ anh đã lao đến, gục vào vòng tay chồng và khóc nức nở. "Em tưởng không còn gặp lại anh nữa!"- người phụ nữ thổn thức.

Gặp lại vợ con, quê nhà nhưng Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu vẫn chưa hết thẫn thờ. Ông kể: "Khoảng 16 giờ ngày 11 - 9, tàu QNg-66478 của ông Lưu đang đánh cá tại quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) thì tàu Ngư chính Trung Quốc xuất hiện và kéo tàu ông Lưu với 9 ngư dân trên đó về đảo Phú Lâm. Hơn 1 tháng (chiều 11-10), họ thả chúng tôi.

Lúc đó mừng quá nên cho tàu chạy ngay". Khi ở giữa biển, ông Lưu phát hiện nước đã vào máy. Giữa mênh mông biển cả, họ chỉ còn biết phó thác cho số phận. 3 ngày uống nước lã, ăn cơm với muối từ chút gạo còn sót lại. Trong tuyệt vọng, 9 ngư dân đã lấy bạt căng lên làm buồm, nhưng suốt 5 ngày tàu chỉ trôi về hướng Việt Nam được nửa hải lý.

Ngày thứ 5, cả 9 được tàu Hải quân Trung Quốc cứu và đến ngày thứ 7 (24-10) chúng tôi hay tin Cảnh sát biển Việt Nam ra đón. Mừng quá anh em ôm nhau khóc".

Ngày mai với những lo toan

Ngay trưa 26 - 10, nhiều tổ chức, cơ quan đã ủng hộ "nóng" cho 9 ngư dân tại cảng Dung Quất. UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 1 triệu đồng/ngư dân cùng 6 tháng gạo ăn, Công ty CP Mía đường Quảng Ngãi 1 triệu đồng/ngư dân, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất 5 triệu đồng/ngư dân, báo Vietnamnet tặng 2 triệu đồng/ ngư dân và 1 máy Icom trị giá 24 triệu đồng, Cảnh sát biển Việt Nam tặng 1 triệu đồng/ngư dân...

Nhìn chiếc tàu QNg- 66478 giờ chỉ còn cái xác tàn tạ, ông Lưu thẫn thờ vì mình đã mất trắng hơn 100 triệu đồng cho chuyến đi này và sẽ mất thêm một khoản tương tự cho việc sửa chữa lại tàu.

Ông Lưu cho biết, sau 4 lần đi biển gặp nạn bây giờ nhà ông đã nợ ngân hàng và bên ngoài hơn 500 triệu đồng. Ông gạt nước mắt nói: "Dù muốn dù không tôi cũng phải đi biển, ở nhà biết lấy gì sống."

Còn với anh Dương Quang Dũng, chuyến đi vừa rồi anh dự tính số tiền kiếm được sẽ đủ ăn trong cả mùa mưa này. Nhưng bây giờ về tay trắng, lại thêm nợ nần. Vợ anh mấy ngày qua hết gạo phải đưa con nhỏ mới 4 tuổi "tị nạn" bên ngoại.

Mái tóc bạc trắng vì tuổi tác, ngư dân Nguyễn Đảng nói: "Tôi đã già, tương lai xem như không còn gì nữa. Nhưng nhà tôi còn con nhỏ, mà ở đảo này (đảo Lý Sơn), biết làm gì ngoài đi khơi. Số phận là thế rồi mà, chỉ mong sao con mình lớn được đi học tới nơi tới chốn. Đừng theo nghiệp ngư khổ sở như mình".

Tình cảnh các ngư dân, địa phương rất thấu hiểu. Ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi- hứa: "Chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ những ngư dân này. Hiện nay, chúng tôi đã hỗ trợ "nóng" cho mỗi ngư dân 1 triệu đồng và 6 tháng gạo cho gia đình họ.

Bằng mọi giá, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình về vật chất cũng như tinh thần để những ngư dân này được ổn định cuộc sống." Theo ông Huế, thời gian tới, tỉnh sẽ cử cán bộ để tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân về ngư trường, lãnh thổ thuộc Việt Nam để ngư dân hoạt động đúng luật pháp. Tổ chức cho các ngư dân hoạt động theo đội nhóm để hỗ trợ khi gặp nạn.

Tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ toàn bộ máy Icom cho ngư dân. Đồng thời, sẽ luôn theo sát mọi hoạt động bà con ngư dân ở khơi xa nhằm phản ứng kịp thời trước mọi sự cố, cũng như báo cáo T.Ư giải quyết bằng con đường ngoại giao.