Bùn đất và khí hậu ẩm ướt đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng. Hơn nữa, môi trường sau lũ bị ô nhiễm nghiêm trọng, vì vậy, đây là thời điểm vật nuôi dễ bị dịch bệnh phát sinh và lây lan nhanh, rộng...
Công việc đầu tiên sau lũ là chống đói cho gia súc, gia cầm, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh thức ăn, nước uống... Người dân địa phương nhanh chóng phối hợp với ngành thú y cơ sở tiến hành tiêu độc, khử trùng môi trường sau mưa lũ với phương châm nước rút đến đâu tiêu độc đến đó, trước hết là tập trung ở những nơi ô nhiễm cao.
Phần lớn sau lũ nguồn thức ăn thô xanh đều khan hiếm, vì thế để cho trâu, bò đủ chất dinh dưỡng, hãy tăng thêm vào lượng thức ăn các loại khoáng chất, tăng lượng thức ăn tinh bột để gia súc, gia cầm lâu bị đói, nên bổ sung vào thức ăn lượng muối khoáng vừa đủ để tăng sức cho trâu, bò, lợn.
Những nơi quá khan hiếm thức ăn thô xanh thì cho trâu, bò ăn thêm bánh liếm (loại bánh làm phục vụ chăn nuôi). Người chăn nuôi cần tìm trong khu vực những nơi có đồng cỏ không bị ngập để đưa trâu, bò đến chăn thả. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như bổ sung thức ăn tinh và các loại thức ăn dinh dưỡng khác để gia súc già mau chóng hồi phục sức khỏe và gia súc non tăng trưởng bình thường.
Hạn chế không cho trâu, bò uống nước ở những ao bị bùn. Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầm lớn thì trong thời kỳ khan hiếm về thức ăn này cần xuất bán vừa có kinh phí khắc phục lũ lụt, ổn định cuộc sống, vừa hạn chế khả năng rủi ro do dịch bệnh có thể xảy ra. Đến khi tình hình sản xuất ổn định trở lại thì có thể gây dựng đàn mới.
Về chuồng trại cho vật nuôi (kể cả gia súc, gia cầm) sau lũ cần vệ sinh sạch sẽ, che chắn kín gió, tôn nền khô ráo hơn, tăng chất độn chuồng, tránh để cho gia súc, gia cầm nằm nơi ẩm ướt.
Sau lũ, cần tăng cường chăm sóc cho đàn gia súc hơn những ngày bình thường để tránh thiệt hại về kinh tế, góp phần ổn định sản xuất trước mắt cũng như những vụ mùa sắp tới.
Võ Thái Hoà