Dân Việt

Thôn nữ và cạm bẫy

23/12/2011 14:00 GMT+7
(Dân Việt) - Những cô gái quê trong thơ Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính đang ở đâu, những cô gái quê được thương yêu, trân trọng. Chị ấy năm xưa còn gánh thóc/Dọc bờ sông trắng nắng chang chang? (Hàn Mạc Tử). Những nhân vật đẹp, dễ thương, anh hùng trong thực tế và trong thơ văn phần lớn là những cô gái quê.

Nhưng thôn nữ hôm nay có bao nỗi niềm phũ phàng! Vụ án xăm rết lên mặt cô gái mới hai mươi tuổi ở Vũng Tàu được coi là vụ án không chỉ chà đạp lên nhân phẩm mà cả cuộc đời của một cô gái quê trong thời đại ngày nay.

Thôn nữ thời nay không còn là những cô gái trong thơ Nguyễn Bính mà buộc phải ra thành phố kiếm sống dù ai cũng biết đó là nơi có nhiều cạm bẫy. Vụ án xăm mặt ở Vũng Tàu là bi kịch đầy chất man rợ thú rừng giữa chủ-tớ tưởng đã kết thúc không bao giờ tái diễn trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng và truyện ngắn Nam Cao.

Rất nhiều vụ án mại dâm mà đối tượng bị bắt rồi đi cái gọi là “phục hồi nhân phẩm”đều là những cô gái quê. Thực chất họ là những con “nai vàng ngơ ngác” ra bờ suối tìm cỏ qua cơn đói lòng, những con nai đã rơi vào “cạm bẫy người” mà hồn nhiên không hay. Vào bán quán cà phê thì bị bắt tiếp khách mua dâm, dọn dẹp trong nhà thì khó thoát nổi móng vuốt dâm dê của ông chủ. Vỡ chuyện thì Sở Khanh quất ngựa truy phong, bao giờ cũng là lỗi của mấy cô “gái quê” thấp cổ bé miệng không có tiền lo lót. Các cô thường được chụp là loại “siêng ăn nhác làm”, “trụy lạc”, “ham hố tiền bạc”.

Quá trình đô thị hóa là sự chuyển dịch nông thôn ra thành thị, thật khó cưỡng. Rồi đây, không chỉ vì nghèo đói mà còn vì mất đất hay nhiều lý do khác, các cô “gái quê” sẽ tiếp tục “đi tỉnh”. Hãy có cái nhìn khác đi về các cô, về những tệ nạn mà các cô buộc phải rơi vào, còn thủ phạm chính là những kẻ tham nhũng đã ăn cướp cả cơm chim. Hãy trừng phạt thật nghiêm khắc những lối đối xử tàn tệ, chà đạp nhân phẩm con người. Làm sao để mãi mãi trong ký ức dân tộc, “gái quê” vẫn là gái quê, rực rỡ trong sáng bên dòng sông trắng.