Dân Việt

Cội nguồn - sức mạnh đưa dân tộc tới những khát vọng cao đẹp

Lương Kết 25/04/2018 06:00 GMT+7
“Đối với dân tộc ta, ý thức cộng đồng chứa đựng niềm tự hào, thiêng liêng, đó chính là sức mạnh của người Việt trong lịch sử cũng như hôm nay. Nó có thể biến thành cội nguồn sức mạnh để đưa dân tộc ta đi tới những khát vọng cao hơn”- GS-TSKH Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói như vậy khi trao đổi với NTNN xung quanh câu chuyện phát huy ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết dân tộc.

Cấu kết cộng đồng để đối phó với các hiểm họa

Thưa GS, có thể nói mỗi quốc gia đều có tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, nhưng đối với Việt Nam tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng dường như có nét rất đặc trưng, chẳng hạn điều đó từng được thể hiện qua sự kiện thành công của đội tuyển U23, trước đó là trong tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Điều gì đã tạo nét đặc trưng này thưa GS?

img

GS-TSKH Vũ Minh Giang - Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Để phân tích vấn đề này, chúng ta cần phải hiểu vấn đề một cách sâu xa hơn từ góc nhìn lịch sử và văn hóa. Người Việt Nam sinh cơ và lập địa trên vùng đất có thể nói không được bình thường hay nói cách khác không được yên ả. Về điều kiện tự nhiên có thể thấy năm nào cũng bị mưa bão, thiên tai. Thứ hai, nước ta nằm ở vị trí có những luồng văn hóa giao lưu rồi xung đột. Đặc biệt lại phải ở gần một đại tộc, họ liên tục đem quân xuống xâm lược, không thời nào họ không có. Như vậy dân tộc ta lại phải căng mình ra chống ngoại xâm, đó là tác nhân khách quan để người Việt phải gắn kết nhau lại.

img

Rước lễ về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ mùng 10.3 âm lịch.  Ảnh: TTXVN

Nhìn từ câu chuyện U23 Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, đây không chỉ là bài học cho bóng đá mà phải đưa tinh thần đó trên mọi lĩnh vực của xã hội. Có thể nói ý thức dân tộc, tinh thần đoàn kết, cần được xem như một tài nguyên, coi đó cội nguồn sức mạnh để đi đến những khát vọng.

Nhìn lại quá trình lịch sử thấy ngay từ thời Hùng Vương chúng ta đã có nhà nước. Việc hình thành nhà nước như thế là quá sớm so với tiền đề kinh tế, mâu thuẫn phân hóa xã hội. Các nước ở Đông Nam Á đến giai đoạn đầu công nguyên mới lập quốc còn chúng ta có nhà nước trước công nguyên nhiều thế kỷ. Nhà nước ra đời sớm như vậy là để liên kết các làng lại với nhau, đặc điểm này chi phối hoạt động cộng đồng rất lớn.

Thử thách hiểm nghèo nữa đối với dân tộc ta có thể nói là có một không hai trong lịch sử nhân loại, đó là bị mất chủ quyền từ rất sớm. Sau đó liên tục bị đồng hóa bởi một đế chế có trình độ văn minh ở tầm cỡ thế giới, họ buộc cư dân chúng ta theo chuẩn mực của họ, quan niệm của họ. Cuộc đấu tranh để bảo tồn bản sắc của dân tộc Việt đã tạo ra nhiều truyền thống, sự cấu kết trong hoàn cảnh này trở thành giá trị thiêng liêng chứ không phải chỉ là cái cần cho cá nhân.

Có thể nói ý thức cộng đồng, tinh thần cấu kết cộng đồng, dân tộc nào cũng có nhưng ở Việt Nam do hoàn cảnh nên có sự khác, có sự đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nó được hình thành trên nền chủ yếu là để chống đỡ với những cái tác động có nguy cơ trở thành mối đe dọa hiểm nghèo đến sự tồn vong. Việc cấu kết ở đây là để tồn tại, nó rất khác với cấu kết để phát triển. Tiếp cận từ góc độ lịch sử và văn hóa chúng ta mới hiểu được những hiện tượng của hôm nay.

Khi một sự kiện hoặc một vấn đề đặc biệt gì trong đời sống xã hội đáp ứng nhu cầu người dân thể hiện sự tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, thường sẽ được thêm vào đó giá trị thiêng liêng, GS nghĩ sao?

- Đúng như vậy, một minh chứng gần đây nhất là sự kiện đội tuyển U23 của Việt Nam giành ngôi á quân giải U23 châu Á. Đối với nhiều quốc gia, người ta nghĩ đó chỉ là giải trẻ, sao chúng ta thể hiện ghê gớm đến như thế. Có thể nói, sự kiện này khiến cả nước chuyển động làm thế giới ngạc nhiên. Họ không hiểu được bởi họ không hiểu giá trị văn hóa và lịch sử của Việt Nam.

img

 Dâng bánh chưng, bánh giầy lên các Vua Hùng.  Ảnh: T.L

Ở đây nó đụng đến những cái mà người Việt Nam chờ đợi từ lâu. Trước đây nói đến bóng đá có cảm giác chúng ta bị coi thường. Sự kiện đội tuyển U23 vào được trận chung kết khiến rất nhiều người có cảm giác mình được “rửa mặt” với khu vực và thế giới. Điều này có tác động thuận chiều cho giải tỏa tâm lý mặc cảm nên có sự bùng phát. Hiện tượng đó nhiều người cho là không bình thường nhưng nhìn dưới góc độ lịch sử, văn hóa thì đó là chuyện rất bình thường với Việt Nam.

Tôi nghiên cứu lịch sử nhiều lúc suy nghĩ, phân tích mọi nhẽ việc dân tộc ta thắng quân Mông Nguyên ở thế kỷ XIII. Lúc đó đội quân xâm lược này đang thắng thế đè bẹp tất cả các quốc gia ở lục địa Á và Âu, tại sao dân tộc ta lại thắng. Nếu giải thích chúng ta có lãnh đạo tài giỏi, quân đội anh hùng, cái đó đúng, nhưng như thế là chưa hiểu hết khí thế “sát thát” của người Việt lúc đó thế nào. Có thể nói nhìn vào hiện tượng liên quan đến đội tuyển U23 vừa qua thì có thể hiểu được tinh thần của cha ông khi xưa.

Khi ý thức không chịu khuất phục, ý chí vươn lên của một dân tộc thì chẳng quân thù nào chống được, quân đội mà toàn dân thì vô địch. Tuy nhiên không phải lúc nào dân tộc ta cũng có được điều này. Cũng dân tộc này nhưng đã từng có cảnh cúi đầu để ngoại bang làm mưa làm gió, đó là thời nhà Nguyễn cho quân Pháp vào. Trước đó là nhà Hồ, tuy anh dũng chiến đấu trước quân xâm lược nhà Minh, mặc dù có vũ khí hiện đại, quân đội thiện chiến, thành trì vững chắc nhưng đánh 6 tháng là thua bởi vì người lãnh đạo không tạo được khí thế cho dân tộc như thời nhà Trần.

Tinh thần dân tộc làm nên kỳ tích

Trong lịch sử dân tộc ta đã làm nên nhiều kỳ tích nhờ ý thức cộng đồng, tinh thần dân tộc, có thể nói đây là tài nguyên đặc biệt trong phát triển đất nước, thưa GS?

- Chúng ta có thể nhìn sang một số quốc gia khác, họ cũng có cũng có nguồn năng lượng gần giống như chúng ta. Ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc… họ đã khai thác được sức mạnh từ niềm tự hào dân tộc và họ trở thành hiện tượng phi thường. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều tương tự. Chúng ta đi thi piano quốc tế cũng có người đoạt giải, trước đó ở châu Á chưa có ai. Trong lĩnh vực toán học chúng ta cũng có người đạt giải thưởng Fields, trong khi chỉ những quốc gia hàng đầu châu Á như Nhật Bản mới có người đạt. Cái đó tuy là thành tích cá nhân nhưng nó được dựa trên nền của cộng đồng người Việt.

Tinh thần dân tộc là nguồn lực mạnh mẽ, nó chứa đựng sự bùng nổ nếu như biết phát huy, nhưng có lẽ chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu thưa GS?

- Từ phân tích ở trên, câu hỏi cũng được đặt ra, tại sao chúng ta có nguồn lực mạnh mẽ như thế mà dường như ở thời hiện đại chưa phát huy được bao nhiêu mà thỉnh thoảng bộc phát ra. Ví dụ như ở những sự kiện mà những người có trách nhiệm không thể lường trước được, chẳng hạn những chuyện liên quan đến thành công của đội tuyển U23. Vấn đề đặt ra, có phải chúng ta có nguồn lực mạnh mẽ như vậy, chứa đựng sự bùng nổ như vậy, nhưng có lẽ chưa khai thác được bao nhiêu trong thời bình.

Còn như trong chiến tranh đã thấy rõ, như chuyện “Xẻ Trường Sơn đi cứu nước, xe chưa qua nhà không tiếc”… Có ý kiến cho rằng hay là vấn đề này không thể hiện trong hòa bình. Tôi nghĩ đặt vấn đề như vậy không đúng, vấn đề chúng ta chưa có cách khơi dậy nó trong hoàn cảnh mới, chẳng hạn như sự kiện đội tuyển U23 là trong thời bình.

Để khai thác được nguồn lực này chúng ta cần phải phân tích và nhìn được cả hai mặt, ở góc độ nghiên cứu GS thấy những điều hạn chế gì ở mặt thứ hai?

- Ở góc độ nghiên cứu tôi cũng đặt câu tôi và trăn trở vấn đề này từ lâu. Có lẽ bàn việc khai thác, phát huy thì phải phân tích toàn diện hơn nguồn lực này. Chúng ta mới nói nhiều đến mặt thuận, mặt tích cực, ưu trội, chứ chưa nhìn hết được mặt thứ hai của tinh thần cộng đồng, ý thức và sự tự hào dân tộc.

Như đã nói ở trên, lịch sử hình thành giá trị này trong điều kiện dân tộc luôn bị đe dọa cho nên cấu kết cộng đồng thiên về đối phó, khắc phục thử thách. Trong lịch sử cứ gặp phải thử thách hiểm nghèo dân tộc ta đều biết cách vượt qua. Lúc đó sự đoàn kết là thiêng liêng, cá nhân bị coi thấp, thậm chí bị lãng quên, tất cả cho cái chung.

Nhưng để cấu kết nhau lại đi tới một cái mục tiêu gì đó mà kết quả chưa thấy ngay thì thường sinh ra sự hoài nghi, không siết chặt đội ngũ chặt chẽ như là phải đối phó trước một nguy cơ gì đó, đây chính là mặt hạn chế.

Vấn đề thứ hai khi nói tới việc cấu kết được hình thành chủ yếu là do phải đối phó khi không có tác nhân ngoại lai thì ý thức cấu kết sẽ bị lơi lỏng, không thường trực. Đó chính là điều kiện rất thuận lợi cho những thứ toan tính cá nhân có tính chất nhỏ nhen xuất hiện, bao gồm cả việc làm phương hại đến cộng đồng.

Mặc dù sự cấu kết bị lơi lỏng, bị toan tính lo cho cá nhân trong lúc nguy cơ đe dọa không trực tiếp nhưng ở trong đó dường như sự hình thành tự nhiên tạo ra những định chế vô hình để khi có biến có thể đoàn kết được ngay. Việc sẵn sàng để khi có chuyện gì đó người ta cấu kết nhau lại được ngay là nhờ chủ nghĩa bình quân bao trùm.

Chủ nghĩa bình quân nhìn ở góc độ nào đó như là một công cụ vô hình để điều tiết sự khác biệt giữa các cá thể, đó lại là mảnh đất màu mỡ cho những thói ghen ăn tức ở, cho “ném đá”, có gì cao kéo xuống, nâng đỡ những người thiếu hụt, nâng đỡ kém. Bình quân chủ nghĩa phải được nhìn như công cụ vô hình để giữ cái sự bình đẳng tương đối. Về mặt nào đó nó có ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Bởi quy luật không loại trừ bất cứ dân tộc nào, muốn tiến nhanh vật chuyển động hay hiện tượng chuyển động phải theo hình khí động học (đầu nhọn đuôi dài). Khi dàn hàng ngang ra tiến có tiến nhanh được không, câu trả lời là không. Với những phân tích trên dù chưa thật đầy đủ nhưng để hiểu được rằng khi nói đến tính cộng đồng có mặt thứ hai của nó. Vì sao chúng ta chưa khai thác được, muốn khai thác được phải hiểu được đầy đủ, khắc chế những mặt hạn chế, từ đó mới có thể phát huy những mặt mạnh.

Xin cảm ơn GS!