Ngày cưới đến gần, có thể bạn đang náo nức in thiếp mời thật đẹp, hay tìm ảnh viện nào uy tín nhất hoặc phòng cưới nào hoành tráng hơn. Nhưng đó chưa phải là cái cốt lõi của hạnh phúc gia đình. Nếu bạn chưa hỏi đối tác của bạn 5 câu hỏi sau đây trước khi bước lên xe hoa thì bạn có chuẩn bị những gì cũng vẫn còn thiếu. Bạn có thể nghĩ rằng những câu hỏi này đã được trả lời trong quá trình hò hẹn yêu đương.
Tuy nhiên sau nhiều năm tư vấn, tôi nhận ra không ít cặp vợ chồng mâu thuẫn vì những cái mà họ không hề đề cập đến trong quá trình hò hẹn dù kéo dài đến mấy năm. Đây là những vấn đề hay gặp nhất và bạn hãy bắt đầu một cuộc đối thoại với người phối ngẫu tương lai của bạn.
Khi yêu ai cũng nghĩ chỉ cần tình yêu là đủ (Ảnh minh họa)
1. Anh thích có mấy con ? Trai hay gái ? Nếu chẳng may rơi vào hiếm muộn xử lý thế nào?
Đối tác của bạn thích chỉ có một đứa con, hay muốn hai con cho trẻ có anh chị em? Chỉ sinh con một bề, không có con trai có được không? Bạn có sẵn sàng thụ tinh ống nghiệm hay xin con nuôi khi có vấn đề về khả năng sinh sản?
Trong thực tế có những đôi sinh hai con gái nhưng nhà chồng và chồng vẫn yêu cầu phải sinh thêm con trai, nếu không được thì phải ly hôn.
2. Ai nên làm việc gia đình?
Đây là nơi diễn ra nhiều xung đột sau khi cưới. Câu hỏi này giúp chúng ta nhìn thấy trước những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Thỉnh thoảng mới gặp nhau ai nấu ăn hay rửa bát chỉ là chuyện nhỏ nhưng sống lâu dài khó có ai chấp nhận hầu hạ người khác suốt đời. Nếu cần, bạn phải lên danh sách từng đầu việc hàng ngày và có sự phân công cụ thể. Những điều này có vẻ chẳng lãng mạn gì cả nên khi yêu không ai nhắc đến, trong khi nó chính là kẻ thù hàng ngày của hạnh phúc gia đình.
3. Anh muốn có quan hệ tình dục thường xuyên?
Đây cũng là một vấn đề khiến nhiều đôi bất hòa. Bởi vì nhu cầu tình dục của mỗi người không giống nhau. Khi yêu có thể lúc nào bạn cũng sẵn sàng đáp ứng nhưng khi chung sống thường xuyên mâu thuẫn mới nảy sinh. Chuyện này thường liên quan đến vấn đề chung thủy.
Bạn có chấp nhận đối tác có quan hệ tình bạn khác giới? Bạn có đồng ý kiểm tra điện thoại, máy tính của nhau không? Câu trả lời bạn nhận được cho câu hỏi này có thể khác với những gì diễn ra khi bạn đang yêu.
4. Khả năng tài chính và nợ hiện tại của anh/em thế nào?
Tìm hiểu tất cả các khoản nợ của đối tác như thẻ tín dụng cho sinh viên vay, mua trả góp? Nếu tình hình phức tạp hoặc không trung thực, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến một luật sư để tìm hiểu cách giải quyết các khoản nợ, phá sản, hoặc bị tịch thu nhà của đối tác sẽ ảnh hưởng đến bạn, nếu bạn kết hôn?
Nhưng sau kết hôn có thể lại chìm vào các cuộc cãi vã vô biên chỉ vì những điều nhỏ nhặt (Ảnh minh họa)
5. Sau khi cưới 5 năm, anh muốn có những gì?
Đây có thể là một câu hỏi khó trả lời, nhưng nó mang lại cho bạn một ý tưởng về mục tiêu ngắn hạn của hôn nhân. Một số bạn có thể muốn có ít nhất một con trong 5 năm đầu tiên. Người kia có thể chưa muốn có con vội. Một số bạn có thể muốn học lên cao hơn hoặc không muốn sống cùng cha mẹ mà phải có nhà riêng bằng cách mua trả góp?
Các chuyên gia tâm lý nhận thấy rất nhiều đôi xảy ra xung đột, thậm chí muốn ly hôn vì những vấn đề mà trước khi kết hôn họ không hề nghĩ đến. Một đôi chung sống được bốn năm, sinh được hai con gái nhưng người chồng nhất quyết đòi vợ phải đẻ thêm con trai vì anh ta nói rằng mình là con trưởng của dòng họ, bắt buộc phải có con trai nối dõi. Trong khi người vợ không chấp nhận đẻ thêm và hoàn toàn hài lòng với hai cô con gái xinh đẹp, khỏe mạnh. Giá như trước khi kết hôn họ có trao đổi về điều ấy thì có lẽ đã tránh được tình trạng khó xử này.
Một anh con nhà giàu, sau khi lấy vợ được một năm, có lẽ vì ghen cứ khăng khăng bắt vợ nghỉ việc, ở nhà nội trợ. Nhưng người vợ trẻ không chịu vì ở nhà sẽ buồn, không có bạn bè. Sau nhiều lần cãi nhau họ quyết định ly hôn. Người vợ vô cùng ân hận vì khi yêu nhau không hề bàn bạc đến chuyện quan trọng này. Thực ra có thể còn nhiều câu hỏi khác nữa hai đối tác cần phải thảo luận với nhau trước khi ký vào bản "hợp đồng hôn nhân" sẽ kéo dài suốt cuộc đời họ.
Nhiều người cho rằng hôn nhân ngày nay nhiều rủi ro hơn ngày trước. Đúng thế vì tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. Vậy tại sao trước khi ký vào "bản hợp đồng" chúng ta chẳng thảo luận gì về các điều khoản cả. Trên đây chỉ là mấy vấn đề thường gặp trong quá trình tư vấn, nó thường nổi lên hàng đầu trong những mâu thuẫn vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ. Phải chăng đây cũng là bài học đắt giá cho những ai đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân?
Mận cưới “ông chú” hơn 12 tuổi như một lựa chọn bất đắc dĩ cuối cùng.