Ông Danh kể lại, nhớ những năm còn làm lúa, do đất ở đây không màu mỡ, chưa áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, rồi sâu rầy, chuột phá hoại nên 2ha của ông chỉ thu được 300 giạ lúa/vụ (mỗi giạ 20kg).
Ông Trần Công Danh đang tuyển bưởi. |
Năm 1995, thấy mía có giá, ông lên liếp 1ha đất trồng mía để thử vận may. Thu hoạch thấy mía thu nhập gấp 2 lần lúa, ông quyết định chuyển toàn bộ diện tích còn lại để trồng mía. "Nhưng tôi cũng chỉ trồng mía được 5 năm, do thị trường biến động, các lò đường trong vùng ngừng hoạt động, thương lái mua mía với giá thấp, nên tôi bỏ trồng mía, chuyển sang làm vườn" - ông Danh cho biết.
Được sự hỗ trợ của Hội ND quận 9, vào năm 2000, ông vay vốn ngân hàng, chuyển sang trồng cây ăn trái: Sầu riêng, cam, quýt, bưởi da xanh, măng cụt và mận dâu An Phước. Ông đào ao nuôi cá và xây chuồng nuôi heo, để chờ ngày thu hoạch cây ăn trái.
Theo định hướng của phường Trường Thạnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2008-2010, năm 2007, ông quyết định tách 1.000m2 đất để trồng cây kiểng. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, ông mua 5.000 chậu lan, 200 chậu mai ghép về trồng. Sau 2 năm, vườn cây kiểng của ông đã cho tiền. Bình quân hàng năm, thu nhập từ cây ăn trái của ông trên 100 triệu đồng và cây kiểng khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 120 triệu đồng.
Trang trại của ông đã tạo việc làm ổn định cho 8 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, ông còn giúp 4 hộ khó khăn trong phường cây, con giống trả chậm, với tổng số tiền 57 triệu đồng; hỗ trợ 8 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai với tổng số tiền 4 triệu đồng; 5 suất học bổng Lương Định Của với tổng số tiền 5 triệu đồng. Năm nào ông cũng cùng khu phố tổ chức trao tặng quà cho các em học sinh nghèo học giỏi trong khu phố và ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của quận với tổng số tiền 20 triệu đồng.
Ông Danh được bình chọn là 1 trong 7 ND tiêu biểu của thành phố năm 2011.
Chiêu Lâm