Trợ lực cho nông dân
Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, cơ sở đan giỏ cần xé của bà Trần Thị Thủy có điều kiện đẩy mạnh phát triển, thu nhập ổn định. Ảnh: C.T
"Dư nợ các chương trình tính đến cuối tháng 12.2017 đạt trên 330,4 tỷ đồng, với 13.900 hộ dư nợ và đã thành lập được 317 tổ tiết kiệm và vay vốn…”. Ông Trần Văn Khuê |
Cơ sở đan giỏ cần xé của bà Trần Thị Thủy đặt tại thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, Cam Lâm. Bà Thủy cho biết, năm 2006, gia đình bà đến đây lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng, không nhà cửa, không đồng vốn. Nhìn thấy những hộ xung quanh làm nghề đan giỏ bà liền xin vào học nghề và dần dần bén duyên với nghề này.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, cộng với tinh thần cần cù, chịu khó tích góp vốn liếng, bà Thủy đã mở được cơ sở đan giỏ cần xé, thời gian đầu đã thu hút khoảng 60 lao động. Đầu năm 2017, khó khăn thực sự đến với gia đình bà Thủy, bởi thời gian này thị trường tiêu thụ giỏ chậm và không còn vốn để duy trì cơ sở sản xuất. Do gặp khó khăn về nguồn vốn, các cơ sở không chịu cung cấp nguyên liệu và việc này kéo thời gian nhiều tháng liền.
Bà Thủy thổ lộ: “Thời điểm đó, tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng không thể xoay sở ra đồng nào, rất nhiều đêm tôi trăn trở, thậm chí có lúc nghĩ đến việc bỏ nghề. Nhưng cứ nghĩ nếu bỏ nghề, hàng chục lao động nơi đây bị mất việc và không có thu nhập, tôi lại cố tìm giải pháp”.
Và cơ hội cuối cùng cũng tới. Bà Thủy cho biết: “Thông qua Hội ND xã, tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng từ vốn vay của NHCSXH huyện Cam Lâm. Nhờ số tiền này, gia đình tôi đầu tư mua các loại máy móc, trả tiền công lao động và mua thêm vật liệu để đan giỏ. Hiện tại, gia đình tôi đã trở thành hộ khá giả của xã. Nhìn thấy nghề đan giỏ được duy trì là mừng lắm, cảm động không thể tả hết được, bởi nơi đây không những tạo thêm thu nhập cho nữ nông nhàn, mà còn tạo công ăn, việc làm cho những người bị khuyết tật, gia đình nghèo khó, người cao tuổi…”.
Tiếp tục đầu tư vốn cho nông dân nghèo
Sản phẩm giỏ cần xé của gia đình bà Thủy đang được ưa chuộng tại thị trường các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi,... Hiện mỗi tháng bà xuất bán từ 5.000 - 7.000 giỏ cần xé, với giá 30.000 đồng/giỏ (loại giỏ thường) và 50.000 đồng/giỏ (loại giỏ đẹp).
Đưa chúng tôi dạo quanh cơ sở, bà Thủy cho biết, sau Tết Mậu Tuất 2018, ngư dân trúng cá nên gia đình xuất bán giỏ cần xé liên tục. Thậm chí, có ngày nhận vài chục cuộc điện thoại của các nơi để lấy giỏ, dẫn đến “cháy” hàng. Hiện tại, cơ sở của bà đang giải quyết gần 100 lao động có công ăn việc làm ổn định, với mức thu nhập từ 100.000 - 500.000 đồng/ngày (lao động nữ) và từ 400.000 - 600.000 đồng/ngày (lao động nam).
Bà Thủy phấn khởi cho hay, vốn vay bây giờ làm thủ tục cũng đơn giản lắm, tất cả mọi thủ tục, giấy tờ vay vốn, trải lãi, gốc hàng tháng đều được các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn rất nhiệt tình, chỉ từng chi tiết. Bên cạnh đó, thông qua các tổ trưởng, nông dân còn nắm bắt thêm nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước và định hướng cách làm ăn có hiệu quả mà trước đây là không thể.
Ông Trần Văn Khuê - Giám đốc NHCSXH Cam Lâm, Khánh Hòa cho biết, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã phần nào giảm được tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, phát triển sản xuất ngành nghề truyền thống của làng nghề đan giỏ trên địa bàn huyện. Theo ông Khuê, chính sách cho vay vốn ưu đãi là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Đồng vốn đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xã hội của huyện Cam Lâm. Thời gian tới, NHCSXH huyện Cam Lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách.