Dân Việt

44 câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ

24/11/2010 08:10 GMT+7
Dân Việt - Tại kỳ họp này, đã có 89 đại biểu gửi 214 chất vấn đến Thủ tướng và các Bộ trưởng, trong đó có 26 chất vấn Thủ tướng với 44 câu hỏi.

8 giờ sáng 24-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc báo cáo trả lời các chất vấn của cử tri và đại biểu Quốc hội.

img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Quốc hội sáng 24-11. Ảnh: Hồ Sỹ Lực

Các giải pháp kiềm chế lạm phát và giá cả

Về kiềm chế lạm phát và giá cả, Thủ tướng cho rằng những diễn biến trong năm nay, đến hết tháng 11 đã tăng 9,58%, giá lương thực, thực phẩm, VLXD tăng gần 13%, vàng tăng hơn 21%. Những nguyên nhân giá tăng, theo Thủ tướng, là do biến động tăng mạnh giá thế giới, lộ trình chuyển sang cơ chế giá thị trường, thiên tai lũ lụt làm căng thẳng trong quan hệ cung cầu và tạo áp lực tăng giá.

Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo điều hành công cụ tài chính tiền tệ, cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, cân đối tiền - hàng; kiểm soát chặt chẽ cung cầu hàng hóa, đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, nhất là vùng nông thôn, miền núi; tăng cường thanh kiểm tra về giá, đặc biệt là kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm việc đưa tin không chính xác gây rối loạn thị trường.

Chính phủ sẽ chỉ đạo đồng bộ các công tác nhằm kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm. Về lâu dài sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm mạnh nhập siêu.

An toàn hồ bùn đỏ: Sẽ xem xét lại để có quyết định cuối cùng

Về khai thác chế biến bô xít, Thủ tướng cho rằng, trữ lượng tài nguyên khoảng 11 tỷ tấn, được đánh giá là hàng đầu thế giới. Việc thăm dò, khai thác là chủ trương nhất quán của Đảng. Chính phủ đã ba lần báo cáo. Chủ trương là việc khai thác bô xít gắn với alumina, nhôm nhà nước cần đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư. Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương, TVK thẩm định, phê duyệt quy hoạch với bước đi cụ thể gắn với phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên.

Thủ tướng đã giao Bộ Công Thưong chủ trì, rà soát, lập báo cáo đánh giá và triển khai thí điểm hai dự án. TKV được giao làm chủ đầu tư. Đặc biệt chú ý đến sự an toàn của hồ bùn đỏ. Nếu dự án an toàn, đảm bảo môi trường mới tiếp tục triển khai.

Hội đồng gồm các nhà khoa học, chuyên gia đã họp và cơ bản thống nhất và đi đến kết luận dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn môi trường, xã hội.

Về môi trường, chính việc khai thác làm cải tạo đất tốt hơn. Sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungaria và nhận được góp ý của các nhà khoa học, nhân sĩ, Chính phủ đã giao TKV rà soát lại các biện pháp đảm bảo an toàn, thuê tư vấn nước ngoài thẩm định lại. Bộ Công Thương được giao khảo sát lại tai nạn hồ bùn đỏ ở Hungaria. Nghiên cứu thêm phương án thải khô, ban hành tiêu chuẩn hồ bùn đỏ, đảm bảo an toàn cho dự án.

Riêng về vấn đề an toàn hồ bùn đỏ, mặc dù báo cáo đánh giá của hội đồng liên ngành đã đánh giá có độ an toàn cao, tuy nhiên sắp tới sau khi có đánh giá của tổ chức nước ngoài,  Chính phủ sẽ xem xét lại để có quyết định cuối cùng.

Tổng tài sản Vinashin: Còn 104 ngàn tỷ đồng trên sổ sách

Về Vinashin, năm 1993, Bộ Chính trị đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành biển. Công nghiệp đóng tàu được xác định là mũi nhọn. Năm 2006, Thủ tướng quyết định thành lập Tập đoàn Vinashin kinh doanh đa ngành. Tốc độ phát triển đạt 35-40%, kinh doanh có lãi. Lợi nhuận các năm đạt từ 126 tỷ đồng, lên đến 808 tỷ đồng.

Đến hết 2009 đã đóng góp hơn 3.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Năm 2008 có đội ngũ lao động gần 70.000 người, 12.000 người có trình độ trên đại học, 55.000 công nhân kỹ thuật. Năm 2009 đã có đơn đặt hàng đóng tàu trị giá 12 tỷ USD. Đã có 155 tàu, giá trị hơn 1,1 tỷ USD được xuất khẩu.

Năm 2009, Vinashin lỗ 1.100 tỷ đồng. Về nguyên nhân, một số cơ quan thuộc Chính phủ chưa thực hiện tốt việc quản lý. Khi được báo cáo, Thủ tướng đã yêu cầu các ngành chức năng theo sát để tháo gỡ khó khăn và yêu cầu Vinashin cắt bớt dự án. Từ 106 dự án với 44 ngàn tỷ đồng thì chỉ được thực hiện 13 dự án trong năm 2011 với mức đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Về tổng tài sản của Vinashin, Thủ tướng cho rằng hiện còn 104 ngàn tỷ đồng nằm trên sổ sách. "Giá trị đang được rà soát có thể cao hơn, bằng, hoặc thấp hơn", người đứng đầu Chính phủ nói.

Về trách nhiệm của Chính phủ trong vấn đề Vinashin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Những người trực tiếp quản lý Vinashin đang được các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm minh. Nhưng thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ có liên quan, nhất là chưa hoàn thiện được cơ chế chính sách và thanh kiểm tra, giám sát. Việc tiến hành xử lý sau giám sát còn kém hiệu lực, do vậy chưa ngăn chặn kịp thời những sai phạm, chưa chấn chỉnh được việc báo cáo không trung thực.

"Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém nêu trên. Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các thành viên có liên quan đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Sẽ khai thác tối đa các nguồn điện

Từ tháng 4 đến tháng 7-2010,  tình trạng thiếu điện xảy ra trên diện rộng. Nguyên nhân do các dự án điện đều thiếu vốn. Trong nhiều năm qua Chính phủ chỉ cấp vốn cho các doanh nghiệp điện vùng sâu vùng xa. Công tác giải phóng mặt bằng tại các công trình nguồn điện gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, giá điện thấp là nguyên nhân chủ yếu việc huy động vốn. Việc tiết kiệm chưa được đảm bảo. Năng lực chủ đầu tư và nhà thầu yếu kém, kể cả nhà thầu nước ngoài. Ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả còn thấp, gây sức ép thiếu điện.

Việc thiếu nước làm sản lượng điện bị sụt giảm nghiêm trọng, các nhà máy nhiệt điện mới đưa vào sử dụng còn chưa ổn định. "Thiếu điện chỉ 5-6% nhu cầu nhưng do điều hành chưa hợp lý đã gây búc xúc cho nhân dân", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Về các biện pháp, năm 2011, Chính phủ sẽ chỉ đạo khai thác tối đa các nguồn: Nhập tối đa điện từ nước ngoài; Đưa vào vận hành các dự án nguồn; Tập trung giải phóng mặt bằng, tạo nguồn vốn cho các dự án điện; Ưu tiên tích nước, để đạt mức dâng cao nhất vào cuối năm. Theo Thủ tướng, 400 MW tại tổ máy số 1 thủy điện Sơn La sẽ đưa vào vận hành, sớm hai năm so với nghị quyết của Quốc hội. Năm tới, sẽ có 5.000 MW được đưa vào vận hành.

Về việc khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt ở miền Trung: Các đợt mưa lớn trên diện rộng gây lũ lụt làm thiệt hại cho đồng bào miền Trung. Ước tính thiệt hại lên tới 13.544 tỷ đồng. Chính phủ chỉ đạo cấp 750.000 tỷ đồng để hỗ trợ thiệt hại.

Về lâu dài: Ưu tiên vốn,  đảm bảo an toàn hồ chứa nước, nâng cao khả năng dự báo, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác dự báo, tiếp tục nghiên cứu quy trình vận hành hồ chứa. Bổ sung trang thiết bị để nghiên cứu, dự báo trước tình hình thời tiết… Tiếp tục quy hoạch hệ thống các công trình điều tiết, thoát lũ để ứng phó thích hợp với biến đổi khí hậu.

Về đầu tư cho tam nông, Thủ tướng dẫn báo cáo chi tiết và khẳng định: Đầu tư cho nông nghiệp hàng năm đều cao hơn mức tăng bình quân chung. Tỷ trọng đầu tư tăng từ 43% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2008 lên đến 50% trong năm 2011. Tổng đầu tư đã tăng 4,6 lần so với trước Nghị quyết T.Ư 7. Dự kiến sẽ đạt yêu cầu đầu tư cho tam nông 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước

>> Xem tiếp nội dung phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 24-11 tại đây.