Bộ LĐTBXH thành lập đoàn kiểm tra về lương tại Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và một số đơn vị trực thuộc của tập đoàn này. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết sẽ đốc thúc để sớm có kết luận, công bố công khai, đồng thời nhấn mạnh những đơn vị làm ăn không có lãi như EVN thì chắc chắn lương, thưởng không thể cao được.
Dư luận bất bình vì EVN đã tự trả lương “cho mình” quá cao, đặc biệt là khối văn phòng, lãnh đạo của tập đoàn. Khối này có lương “khủng” bình quân từ 30 – 40 triệu đồng/người/tháng, lãnh đạo 70 - 80 triệu đồng/người/tháng. Nếu như lấy lương của khối văn phòng ra cộng chung và chia đều trên đầu người thì lương công nhân cao so với các ngành khác, nhưng như vậy là oan cho người lao động, bởi vì họ phải gánh luôn phần lương của lãnh đạo vào phần của mình.
Thu nhập của người lao động bất kỳ ở ngành nào được tăng cao cũng là điều đáng mừng, nhưng sự phân chia bất hợp lý theo kiểu “cuốc xẻng phát từ dưới lên, đường sữa phát từ trên xuống” thì khó có thể chấp nhận được. Người làm việc ngoài công trường cực khổ và nguy hiểm thì lương thấp, còn nhiều người ngồi mát ăn bát vàng. Sự bất công rành rành ở đây.
Những người quản lý, lãnh đạo tài giỏi làm được việc cho dân, cho nước tất nhiên xứng đáng hưởng lương cao. Nhưng xin được hỏi thẳng: Lãnh đạo của EVN có xứng đáng hưởng lương cao hay không?
Câu trả lời có ngay đây: Số tiền lỗ khủng khiếp của EVN được công bố dù không phải quá bất ngờ nhưng cũng thực sự gây sốc trong dư luận. Kiểm toán Nhà nước xác định EVN lỗ trong sản xuất kinh doanh là 8.400 tỷ đồng, cộng với khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá hơn 17.000 tỷ đồng, tính đến hết năm 2010 lỗ trên 25.000 tỷ đồng.
Tính đến 31.12.2011, nợ phải trả của EVN lên đến 240.000 tỷ đồng. EVN làm ăn thua lỗ trầm trọng như vậy mà cán bộ lãnh đạo, cán bộ văn phòng nhận lương vài chục triệu đến gần 100 triệu đồng/tháng mà không thấy hổ thẹn hay sao?
Trình độ điều hành quản lý kém, được giao nhiệm vụ sản xuất điện phục vụ người dân và đáp ứng yêu cầu của sản xuất nhưng quốc gia luôn thiếu điện. Tiền đầu tư ra ngoài ngành mất trắng; các công trình dự án kéo dài gây thất thoát, lãng phí; để cho điện thất thoát quá cao làm tăng thêm thua lỗ... Chừng ấy hậu quả mà các vị tạo nên cũng đã đủ để... từ chức, nói chi đến chuyện hưởng lương cao.
Người dân khốn khó vì vật giá tăng, doanh nghiệp kêu trời vì áp lực của thiếu vốn, thiếu điện sản xuất, còn “ông điện” làm ăn bê bết, thua lỗ thì tăng giá để bù vào sự yếu kém của mình. Quá bất công.
Chân Tâm