Nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí cho rằng hai bên cần tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, nâng cao vai trò và hiệu quả của các cơ chế hợp tác giữa hai nước, nhất là Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai bên sớm thông qua các danh mục của kế hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế giữa hai nước, đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng, tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên gấp đôi vào năm 2015, gắn với đó là giảm dần nhập siêu của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực ưu tiên trọng điểm như: Giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp, nghề cá...; xác định mục tiêu thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời đảm bảo cân bằng thương mại hai chiều giữa hai nước; xây dựng những dự án hợp tác trọng điểm trong khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai kinh tế" giữa hai nước, ủng hộ các doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư vào khu vực này.
Về vấn đề biên giới trên bộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên phối hợp thực hiện tốt 3 văn kiện đã ký kết, đồng thời thảo luận tích cực sớm ký kết Hiệp định hợp tác khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc, Hiệp định về tàu thuyền đi lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân, thực hiện hợp tác quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông, suối ở khu vực biên giới.
Đề cập vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, đồng thời đề nghị hai bên trên tinh thần đồng chí anh em, láng giềng hữu nghị, cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC, để giải quyết thỏa đáng các vấn đề tranh chấp trên biển, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh của khu vực và thế giới...
TTXVN