Khu di tích Hùng Vương không chỉ là Di tích quốc gia đặc biệt mà Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương còn được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ Giồ Tổ Hùng Vương Ảnh:TL
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương hay lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (quần thể di tích gồm Đền thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Lăng mộ …) trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì.
Tục thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người Việt
Vào lúc 6h30 phút ngày 25.4.2018 (tức ngày 10.3 Mậu Tuất), tại tỉnh Phú Thọ diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng, núi Nghĩa Lĩnh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời đại Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. |
Theo truyền thuyết, Hùng Vương là con của cha Rồng (Lạc Long Quân) và mẹ Tiên (Âu Cơ) đã có công dựng lên nhà nước Văn Lang cổ đại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các vương triều Lê, Tây Sơn (1788-1802), Nguyễn quan tâm cho ghi chép vào sử sách, cấp sắc phong và cấp đất phục vụ cho việc thờ cúng Hùng Vương. Những năm 70 của thế kỷ XX, ngành văn hóa tỉnh Phú Thọ đã tổ chức sưu tầm các truyền thuyết, thần tích về Hùng Vương.
Ông Nguyễn Đắc Thủy- Giám đốc Sở VHTT tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc Việt Nam và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi. Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.
Lễ Rước Kiệu. Ảnh TL
Với niềm tin thành kính tri ân công đức, từ hàng nghìn năm qua, các thế hệ khác người Việt, nhất là người dân ở vùng đất Tổ Phú Thọ, nơi có Đền Hùng linh thiêng đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm thiêng liêng, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với lời dạy của Củ tịch Hồ Chí Minh: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Chính sự linh nghiệm của hồn thiêng, nơi đỉnh núi Nghĩa Linh đã lan tỏa, thổi hồn cho câu ca dao đi vào lịch sử:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non, vẫn nước non này ngàn năm!”
Nhà nghiên cứu Văn hóa dân tộc Âm nhạc học - Dương Đình Minh Sơn cho biết: “Chỉ ở nước ta có phong tục Giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Đây là ngày hội truyền thống của đại gia đình các dân tộc Việt Nam tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng - Thời đại kiến tạo nền văn minh đồ đồng Đông Sơn, trong đó tiêu biểu là Thần Đồng Ngọc Lũ kiệt tác có một không hai của nhân loại. Lòng thành kính tưởng nhớ đến Quốc tổ, tạo nên ý thức trong tâm khảm của mọi người dân. Đó mới là ý nghĩa lớn lao nhất của con cháu đối Tổ tông”.
Sự lan tỏa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại
Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nơi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thờ cúng Hùng Vương, như tại thành phố San Jose, bang California (Mỹ), đại diện cộng đồng đã về Đền Hùng xin đất, nước, chân nhang thờ cúng Tổ tiên và lập đền thờ các Vua Hùng.
Dâng lễ vật lên vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thuộc văn hoá tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất độc đáo có ý nghĩa sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: “Người Mường vẫn giữ phong tục thờ cúng tổ tiên và các vị thần thiên nhiên nhưng họ vẫn giữ được phong tục thờ những người có công dựng nước và giữu nước, trong đó có Vua Hùng. Tín ngường thờ cúng Hùng Vương của người Mường mang một dấu ấn riêng biệt. Các di tích thờ cúng tôn giáo như đình Tân Lập, đình Cả, đình Tế và đình Thạch Hoán là những ngôi đình hiện nay đồng bào dân tộc Mường thờ cúng Hùng Vương. Đây là một trong những nét đẹp của đồng bào và họ coi đó là thủy tổ - người đứng đầu các bộ lạc của người Mường.”
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng tinh thần thượng tôn dân tộc
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đạt được tiêu chí quan trọng đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa và thực hành tốt nhất trong đời sống đường đại.
Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.
Ông Nông Quốc Thành- Phó Cục trưởng, Cục Di sản - Bộ VHTTDL cho biết: “Cục Di sản đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ triển khai kế hoạch hành động quốc gia và cũng là đảm bảo việc thực hiện cam kết với Unesco về bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Chúng tôi liên tục kiểm kê và cập nhật kết quả kiểm kê di sản, quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy di sản của Khu di tích lịch sử đền Hùng đến năm 2025.
Bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tổ chức trưng bày chuyên đề về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, xây dựng ngân hàng dữ liệu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử đền Hùng để phục vụ việc tìm hiểu, nghiên cứu, phục dựng lại các nghi thức liên quan đến tín ngưỡng. Hỗ trợ cộng đồng, cá nhân nắm giữ di sản, thực hành và truyền dạy thực hành di sản... Làm sao để các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ đảm bảo thực hiện đúng cam kết quốc tế mà còn phát huy được giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con nhân dân nhưng cũng phải đảm bảo tính khoa học và cả sự phát triển bền vững trong đời sống đương đại.
Trên tinh thần tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tổ chức phần nghi lễ trang nghiêm, trọng thể mang tính cộng đồng; gắn với các hoạt động hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, có sức lan tỏa rộng rãi, tạo ấn tượng sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào và du khách về dự giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.
Ông Nguyễn Đắc Thủy- Giám đốc Sở VTTT tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tỉnh Phú Thọ tích cực triển khai và hoàn thiện, tạo ấn tượng, linh thiêng, thu hút đông đảo đồng bào cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất Tổ. Ngày hội Đền Hùng đã trở thành ngày hội của toàn dân tộc với nhiều hoạt động văn hóa lớn diễn ra trên địa bàn thành phố Việt Trì, khu vực các xã vùng ven, đặc biệt là trong khu vực Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Tình trạng đặt tiền giọt dầu, đốt vàng mã không đúng nơi quy định, chèo kéo khách, hoạt động vui chơi có thưởng trá hình, dùng loa phóng thanh quảng cáo bán bánh kẹo giảm rất nhiều; đặc biệt việc đổi tiền lẻ, thả tiền xuống giếng, dắt tiền vào tay ngai cơ bản được ngăn chặn. Việc đặt hòm công đức, ghi phiếu công đức, hạn chế đốt vàng mã đã đi vào nề nếp”.
Cùng với phần Lễ, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, mang đậm bản sắc vùng đất Tổ như: Trưng bày tư liệu, hiện vật về “Lễ hội và Tín ngưỡng vùng đất Tổ”, các hiện vật khảo cổ về thời đại Hùng Vương và sự hình thành của Nhà nước Văn Lang, trưng bày tư liệu về Di sản Hát Xoan Phú Thọ; giới thiệu, quảng bá du lịch; tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng; tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian đường phố tại thành phố Việt Trì; Hội thi gói và nấu bánh chưng, giã bánh giày; tổ chức hội trại văn hóa, diễn xướng dân gian; trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của 13 huyện, thị, thành tỉnh Phú Thọ; tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh tham gia giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng; biểu diễn Múa rối nước; tổ chức trình diễn “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa; Liên hoan văn nghệ quần chúng, Hát Xoan và dân ca Phú Thọ; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống, Hội thi bơi chải mở rộng …
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ đơn thuần như các hoạt động tâm linh khác mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc. Trở thành đặc trưng tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam, ăn sâu, bám rễ vào máu thịt, tâm thức của mỗi người mang trong mình dòng máu Lạc - Hồng với truyền thuyết sinh ra từ một bọc trăm trứng nặng nghĩa "đồng bào". Dù ở bất cứ phương trời nào, dù già hay trẻ, dù có tôn giáo hay không, nhưng đã là “con lạc cháu hồng” thì cứ mỗi dịp tháng 3 ai ai cũng hướng lòng mình về nơi cội nguồn dân tộc. |