Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan chia sẻ tại đại hội (Ảnh: Quốc Hải)
Đó là chia sẻ mới nhất của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, diễn ra sáng nay 24.4.
Vẫn lo “khủng hoảng” từ ngành chăn nuôi
Theo báo cáo của HĐQT Masan về chiến lược kinh doanh năm 2018 trước cổ đông, MSN đang ghi nhận sự tăng trưởng từ Masan Consumer, Masan Resources và Techcombank. Cụ thể, với Masan Consumer (MCH), mặc dù có thể sức mua các sản phẩm mới của MCH thấp trong giai đoạn đầu tung hàng và trì hoãn thời gian tung hàng đối với các sản phẩm mới, nhưng MCH dự báo doanh thu thuần tăng trưởng trên 30% nhờ vào chiến lược chuyển đổi sang các sản phẩm cao cấp, kết hợp với đà tăng trưởng của lĩnh vực đồ uống và thịt chế biến.
Với Masan Resources (MSR), mức giá hiện thời của vonfram sẽ còn trụ vững nhờ vào các chính sách siết chặt môi trường của Trung Quốc khiến cho các mỏ bị đóng cửa và cả sự thiếu hụt nguồn cung nói chung. MSR sẽ tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác chiến lược nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi từ công ty khai thác mỏ thành một công ty chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram. Theo đó, MSR được dự báo sẽ tăng trưởng trên 30% doanh thu trong năm 2018 dù vẫn có rủi ro nếu giá vonfram giảm dưới mức trung bình là 300 USD/mtu và hàm lượng quặng không cao như kế hoạch của mỏ.
Còn Techcombank (TCB) hiện đang trở thành một hiện tượng trong hệ thống các tổ chức tín dụng, giá dự kiến IPO sắp tới cao ngất ngưởng với khoảng 120.000 đồng/CP.
Trong khi đó, khủng hoảng giá heo tại Masan Nutri-Science vẫn chưa qua nhưng MSN tin tưởng Masan Nutri-Science sẽ “lật ngược thế cờ” nhờ tung ra sản phẩm thịt có thương hiệu vào cuối năm 2018. Theo ông Nguyễn Đăng Quang, lẽ thường tình thì công ty sẽ phải cắt lỗ và ngừng đầu tư khi giá heo hơi giảm mạnh. Tuy nhiên, MSN đã làm điều ngược lại vì tin rằng đây là cơ hội để gia tăng thị phần; khoản đầu tư này sẽ mang lại giá trị dài hạn hơn là các khoản tiết kiệm chỉ có giá trị ngắn hạn.
“Hiện tại, thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo ngoài trại gia công của Masan tăng từ 30% lên khoảng 35% trong thời gian gần đây. Có thể đánh giá rằng, khủng hoảng giá heo cũng chưa qua và vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng mục tiêu quan trọng hàng đầu của công ty là chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu ngành thức ăn chăn nuôi nên chúng tôi tin chiến lược của mình đang triển khai là đúng đắn", ông Quang, cho biết.
Cũng theo ông Quang, theo lẽ thường thì công ty sẽ phải hoãn lại kế hoạch tung sản phẩm thịt mát ra thị trường, nhưng với nhận định, thịt sẽ giúp công ty giảm rủi ro theo tính chất chu kỳ của giá gia súc và thay đổi mô hình tài chính của Công ty.
"Giấc mơ thịt sạch của chúng ta sẽ thật sự khởi đầu vào cuối năm 2018 khi tung ra sản phẩm thịt có thương hiệu đầu tiên", ông Quang khẳng định.
Nhờ những chiến lược trên, MSN đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2018 đạt từ 45.000 - 47.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% -25%. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty tăng trưởng 10% - 30%, vào khoảng 3.400 - 4.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nếu loại trừ các khoản thu nhập bất thường và khoản lợi nhuận 933 tỷ đồng từ việc mua bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank (TCB) trong năm 2017 thì lợi nhuận của MSN sẽ tăng trưởng hơn 50%.
Masan nhắm đến M&A ngành Dược và thịt sạch
Tại đại hội, kết quả kinh doanh quý 1.2018 của Masan cũng được công bố. Trong đó, doanh thu thuần của Masan tăng ổn định ở mức 8.274 tỷ đồng dù khủng hoảng giá heo kéo dài đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Masan Nutri-Science. Biên lợi nhuận thuần cũng ghi nhận mức tăng từ mức 2,8% lên 9,8%. Nhờ vậy, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty tăng gấp 3,4 lần, lên mức 816 tỷ đồng.
Cổ đông tham gia bỏ phiếu bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới
Cụ thể, với MSR, doanh thu thuần tăng trưởng 26,5% khi đạt 1.487 tỷ đồng trong quý 1 nhờ vào giá vonfram tăng cao. Theo MSR, trong quý 1.2018 đã ký hợp đồng mua 300 tấn tinh quặng vonfram từ bên thứ 3 cho nhà chế biến hóa chất giá trị gia tăng cho vonfram với công suất chế biến khoảng 9.000 tấn (trong đó 6.500 tấn được cung cấp từ mỏ Núi Pháo).
Đối với MNS, doanh thu giảm 40,2% trong quý 1.2018 do ảnh hưởng của khủng hoảng giá heo, tuy nhiên hiện giá heo đã tăng lên mức 40.000 đồng/kg, mức cao đầu tiên sau khủng hoảng nên kỳ vọng sản phẩm Bio-zeem của MNS sẽ được lợi thời gian tới.
Trong khi đó, MCH ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thuần 78%, đạt mức 3.586 tỷ đồng.
Còn Techcombank, quý 1.2018 đã đạt lợi nhuận trước thuế 2.569 tỷ đồng, tăng mạnh so mức 1.325 tỷ đồng của cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng 26,8% của tổng thu nhập hoạt động tăng từ 3.675 tỷ đồng của cùng kỳ lên 4.660 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn cũng tăng lên 14,5% so mức 12,7% trong quý 1.2017.
Đặc biệt, theo tiết lộ của ông Quang, Masan đang nhắm đến sản phẩm gia dụng chăm sóc cá nhân, thậm chí đang nghiên cứu ngành Dược phẩm. Tuy nhiên, phương án mà Masan tính tới là M&A vào đối tác có công nghệ để nhanh chóng dấn thân vào ngành hàng mới. Ngoài ra, khác với các Tập đoàn nông nghiệp khác, Masan sẽ không đầu tư vào nuôi trồng sản phẩm Organic hữu cơ mà tập trung vào những gì đang làm, trước mắt là tung ra sản phẩm thịt sạch vào thị trường.
“Ngành thịt sạch đang có giá trị khoảng 100 triệu USD, dự kiến phát triển mạnh trong tương lai. Vì vậy, Masan đang làm việc với đối tác Hàn Quốc về công nghệ để làm sản phẩm chế biến từ thịt. Theo đó, sản phẩm thịt mát trước mắt sẽ tập trung vào các thành phố lớn, Masan cũng phát triển chuỗi cửa hàng thịt mát, kết hợp với hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn của Masan. Đặc biệt, MSN không thu mua thịt heo hơi mà phát triển chuỗi khép kín từ nguồn heo của Nhà máy tại Nghệ An với 10.000 con heo nái, đồng thời phối hợp với các hộ chăn nuôi lớn phát triển theo tiêu chuẩn của Masan, đáp ứng đủ nhu cầu trong 3 năm tới”, ông Quang thông tin.