Theo ông Phong, "kho" dữ liệu quốc gia này bao gồm thông tin về các cơ sở chế biến an toàn thực phẩm (ATTP) tại từng địa phương, danh sách các cơ sở được cấp phép đủ điều kiện ATTP, sản phẩm được công bố, tự công bố của các doanh nghiệp. Người dân có thể tra cứu trên mạng thông tin về các doanh nghiệp này để lựa chọn sản phẩm an toàn cho mình.
Thời gian tới, công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm sẽ được chú trọng nhiều hơn (Ảnh minh họa IT)
Ông Phong cũng cho biết, từ đầu năm đến thời điểm 22.4, các đoàn kiểm tra trên toàn quốc về ATTP đã kiểm tra 159.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, trong đó nhắc nhở, phạt tiền 31.000 cơ sở với số tiền gần 20 tỷ đồng. Các đoàn kiểm tra đã đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm. Có gần 1.500 cơ sở có sản phẩm bị tiêu huỷ; gần 1.600 loại sản phẩm bị tiêu huỷ do không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng... trong đó chủ yếu là nhóm mặt hàng bao gói sẵn, sữa nhập khẩu.
Cũng từ đầu năm đến nay, Cục ATTP đã chuyển cơ quan điều tra hồ sơ của 6 doanh nghiệp trong đó có 4 sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khi xét nghiệm hoạt chất chính dưới 70% (được coi là hàng giả theo quy định) và 2 sản phẩm khác là nghi làm giả hồ sơ.
Ý kiến về vụ "cà phê pin" ở Đắk Nông và vụ thuốc ung thư giả Vinaca (Hải Phòng) đang khiến dư luận bức xúc, ông Phong cho biết, các vụ việc đã được công an điều tra, làm rõ. Ông Phong nhấn mạnh, đây là những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh.
Ông Phong cũng cho biết, thời gian gần đây có một số Hội, tổ chức đã trao các danh hiệu tôn vinh doanh nghiệp, sản phẩm mà không có sự tham gia, chứng nhận của các cơ quan quản lý các sản phẩm mà doanh nghiệp đó làm ra, không cần biết sản phẩm đó có được cấp phép, có đảm bảo chất lượng hay không là hoàn toàn sai lầm.
"Lý giải rằng chỉ tôn vinh thương hiệu sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm là không được. Doanh nghiệp được tôn vinh không chỉ cần đảm bảo về chất lượng hàng hóa mà còn phải tính đến các yếu tố như môi trường, thuế, chính sách an sinh, chính sách bảo hiểm người lao động... Một doanh nghiệp mà nợ đọng tài chính, trốn thuế, sản xuất hàng kém chất lượng, hàng giả thì dù là danh hiệu gì cũng không thể được tôn vinh, trao giải thưởng" - ông Phong nhấn mạnh.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 sẽ diễn ra từ 15.4 đến 15.5 với chủ đề: "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm". Theo ông Nguyễn Thanh Phong, tại một số địa phương tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến. Các vi phạm như sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh; thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn yếu kém; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Để tồn tại những vấn đề nói trên, một trong những nguyên nhân chính là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kiinh doanh thực phẩm chưa cao do sự nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. "Vì vậy cần phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm" - ông Phong nói. |