Dân Việt

Thanh tra Bộ VHTTDL: Lê Âu Ngân Anh không được thi nhan sắc quốc tế

Huy Hoàng 25/04/2018 08:30 GMT+7
Ngoài công tác thẩm định và đặt hàng sản xuất phim điện ảnh, vụ lùm xùm vụ 12 con giáp tại Hải Phòng thì vụ Lê Âu Ngân Anh vì sao vẫn chưa bị tước vương miện…là một trong những vấn đề nóng được bàn tới tại cuộc họp sơ kết công tác VHTTDL những tháng đầu năm do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Theo đó, tại cuộc sơ kết công tác những tháng đầu năm nay, một nhà báo đã đặt ra câu hỏi: “Vì sao Bộ đã có văn bản gửi Công ty Võ Việt Chung International về thu hồi danh hiệu  trao cho Lê Âu Ngân Anh trong cuộc thi Hoa hậu Đại Dương 2017 nhưng đến  nay  vẫn chưa được tiến hành?”.

img

Trả lời câu hỏi này, Chánh Thanh tra Bộ Phạm Cao Thái cho biết, luật không quy định cơ quan quản lý nhà nước thu hồi vương miện của Ngân Anh, việc này phải do đơn vị trao, tức BTC cuộc thi thực hiện. “Đối với chúng ta Ngân Anh đã không còn là Hoa hậu nữa, còn công ty này vẫn chưa tước vương miện thì đó là việc của người ta. Bộ không thể bắt họ không được làm thế. Nhưng nếu bây giờ công ty này xin cơ quan quản lý cấp phép cho Lê Âu Ngân Anh ra nước ngoài dự thi nhan sắc thì Bộ sẽ không bao giờ cấp phép”, Chánh Thanh tra Bộ khẳng định.

Cũng liên quan đến lùm xùm ở cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu, khi quá trình thanh tra chưa kết luận mà đêm chung kết vẫn diễn ra, theo ông Phạm Cao Thái, ồn ào này xuất phát từ tranh chấp giữa các thành viên trong HĐQT của công ty tổ chức cuộc thi. Thanh tra Bộ đã vào cuộc xác minh công tác tổ chức, tư cách pháp nhân của đơn vị tổ chức cũng như hồ sơ các người đẹp tham gia… nhưng cụ thể thì phải có sự phối hợp của các cơ quan chuyên ngành khác. Điều này nằm ngoài phạm vi chức năng của Thanh tra Bộ.

Ông Thái cho biết, Bộ nhận được thông tin về cuộc thi vào ngày 18.4 và ngay chiều 18.4, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Thanh tra vào cuộc. Sau khi xác minh tư cách pháp nhân hợp pháp của đơn vị tổ chức, Thanh tra đã làm việc với những người có đơn. Tuy nhiên, khi đó cuộc thi đã sát với thời gian diễn ra chung kết nên buộc phải để cuộc thi diễn ra.

Ngoài những chuyện về quản lý, cấp phép các cuộc thi nhan sắc, tại cuộc sơ kết công tác những tháng đầu năm cũng nói về vấn đề cấp phép cũng như thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Theo bà Lý Phương Dung – Cục Phó Cục Điện ảnh, thì thực trạng 3 năm nay thị trường điện ảnh Việt Nam không có phim Nhà nước đặt hàng tiếp tục được đặt dấu hỏi. “Từ 2015-2017, điện ảnh Việt Nam đã không có bộ phim truyện nào được Nhà nước đặt hàng sản xuất. Các sự kiện lớn của ngành như Liên hoan Phim, Cánh diều… trong ba năm qua vì vậy cũng là sân chơi độc diễn dành cho các hãng phim tư nhân. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề, nhất là khi điện ảnh Việt ngày càng vắng bóng các bộ phim về đề tài truyền thống như chiến tranh cách mạng, lịch sử văn hóa dân tộc, phim thiếu nhi".

Ngoài ra, nói về một số thông tin về quy trình thẩm định phim truyện điện ảnh vừa qua có nhiều vấn đề, bà Lý Phương Dung cho hay: “Qua một số vụ việc cụ thể, Cục Điện ảnh, Hội đồng thẩm định phim trung ương đã rút bài học kinh nghiệm là trong quá trình thẩm định, ngoài  việc tuân thủ luật pháp thì còn phải chú ý đến các yếu tố nhạy cảm cũng như tình cảm của công chúng".

Bên cạnh những vấn đề “nóng” đó thì Bộ VHTTDL cũng cho hay, Bộ đã thẩm định quyết định xếp hạng 5 di tích quốc gia và đưa 21 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong lĩnh vực nhạy cảm là lễ hội, năm nay công tác quản lý được ghi nhận có chuyển biến tích cực. Nhiều lễ hội có yếu tố bạo lực, phản cảm, lộn xộn… được chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời.

Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm. Thẩm định, cấp 83 giấy phép về biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời, cấp 1224 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.