Dân Việt

40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện

25/11/2011 04:40 GMT+7
(Dân Việt) - “Tuyên truyền nhiều nhưng bệnh lao vẫn như tảng băng chìm chưa phát hiện được hết bởi vì chúng ta chưa tìm được một cách truyền thông hiệu quả”.

Ông Đinh Ngọc Sĩ - Chủ nhiệm Chương trình Phòng, chống lao quốc gia cho biết.

Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới với 44% dân số bị nhiễm lao. Mỗi bệnh nhân lao không điều trị kịp thời sẽ lây bệnh cho khoảng 10-15 người. Bệnh lao cũng làm mất sức lao động và là tác nhân chính gây đói nghèo. Tuy vậy, Việt Nam mới phát hiện khoảng gần 60% số mắc lao mới trong cộng đồng mỗi năm, 40% còn lại là “tảng băng chìm”, cần có tác động mạnh về truyền thông vào đối tượng này.

 img
Muốn tuyên truyền về bệnh lao phải hiểu về bệnh lao.

 Theo ông Sĩ, bên cạnh những khó khăn của hệ thống y tế thì việc tuyên truyền về bệnh lao chưa hiệu quả cũng là rào cản khiến người dân chưa tiếp cận được thông tin về khám, điều trị lao. “Thông tin thường một chiều và nặng tính bác học, vì thế người dân có đọc, có nghe vẫn không hiểu gì. Nếu cứ kêu gọi rằng bệnh lao là bệnh lây truyền, nguy hiểm thì càng khiến người dân kỳ thị, xa lánh bệnh nhân, còn người bị bệnh sẽ sợ hãi mà giấu bệnh”- ông Sĩ phân tích.

Ông David Frogier de Ponlevoy- chuyên gia truyền thông của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nêu thực tế: “Những vấn đề về y khoa nói chung và bệnh lao nói riêng rất phức tạp và khó hiểu, vì thế càng khó chuyển tải để độc giả có thể tiếp cận dễ dàng. Trong khi đó, người làm công tác tuyên truyền thường không thực sự hiểu vấn đề, viết tắt quá nhiều và sử dụng nhiều thuật ngữ phức tạp nên người dân không hiểu”.

Để nâng cao năng lực cho mảng tuyên truyền, Chương trình Phòng, chống lao vừa tổ chức một hội thảo về vấn đề này để tìm giải pháp tháo gỡ.

Ông Đinh Ngọc Sĩ chia sẻ: “Để truyền thông đạt hiệu quả, người làm công tác truyền thông phải có sự hiểu biết thấu đáo, đầy đủ về bệnh lao để có cách xử lý số liệu, thông tin sao cho dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của bà con ở từng địa phương, tránh đưa ra những con số khô khan, khó tiếp nhận, tránh dùng từ viết tắt”. Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, truyền thông phòng, chống lao cần đi sâu vào thân phận con người, từ đó làm tăng mối liên hệ giữa bài viết với độc giả, thính giả…