Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam Xuân Hè vừa diễn ra từ ngày 19 đến 22/4. Suốt bốn ngày công diễn, hầu như đêm nào chương trình cũng có nghệ sĩ gây chiêu trò trên thảm đỏ.
Vào ngày thứ hai và thứ tư, ca sĩ Tiêu Châu Như Quỳnh "chiếm sóng" với hai bộ trang phục xuyên thấu, có vệ sĩ khiêng cô từ ngoài vào thảm đỏ. Xong phần tạo dáng, ca sĩ phải nhờ các chàng trai cởi bỏ chiếc đuôi cá mới có thể đi vào trong sân khấu. Cách cô thay trang phục trên thảm đỏ gây ngạc nhiên không kém cách cô hóa trang. Nhiều người đồng loạt phản ứng trước cách chơi trội này. Trên các diễn đàn, fanpage, đa số nhận xét ca sĩ "ăn mặc phản cảm, bất chấp chiêu trò để thu hút sự chú ý".
Tiêu Châu Như Quỳnh thừa nhận cô mặc táo bạo nhưng không đến mức lố lăng: "Phản cảm hay không, kém văn minh hay không tùy vào quan điểm mỗi người. Có thể mọi người thấy lạ, thấy sốc khi tôi thay đổi quá đột ngột như vậy. Nhưng tất cả đều nằm trong sự tính toán của êkíp. Bộ trang phục nàng tiên cá là tạo hình của tôi trong một dự án sắp ra mắt. Thảm đỏ tuần thời trang là nơi nghệ sĩ tự do thể hiện sự sáng tạo. Ban tổ chức chưa có quy định cấm cản hay giới hạn nào về trang phục của nghệ sĩ tham dự show", cô nói. Ca sĩ cho biết mình không làm gì sai, không tổn hại đến ai, vì vậy cô không buồn vì những lời chỉ trích.
Vì không thể tự đi với chiếc đuôi cá, Tiêu Châu Như Quỳnh phải nhờ ba người khiêng mình lên thảm đỏ.
Stylist Lê Minh Ngọc nói anh thấy thảm đỏ tuần thời trang dường như đã trở thành một gánh xiếc vì những trò lố của các nghệ sĩ. Với một sân chơi thời trang, anh ủng hộ sự sáng tạo, thậm chí "làm lố" nhưng phải theo xu hướng chứ không phải hóa trang cho dịp Halloween. "Chúng ta có thể thấy nhiều ngôi sao thế giới diện trang phục trên thảm đỏ theo trường phái chơi trội. Một ví dụ điển hình là ca sĩ Rihanna. Cô ấy mặc phá cách, phóng khoáng, đôi khi dị biệt, nhưng mang hơi thở thời trang rõ nét chứ không hề tùy tiện", anh nói.
Tại các Tuần thời trang ở thế giới, việc chơi trội khi đi xem show không được các sao ưa chuộng. Những người đẹp nổi tiếng về "làm lố" như Lady Gaga, Rihanna thường chỉ gây rúng động ở thảm đỏ các lễ trao giải, sự kiện âm nhạc như Gala, Grammy, MTV... Khi đi xem show, họ đều chọn phong cách thanh lịch, đơn giản hoặc diện trang phục của nhà thiết kế mà mình ủng hộ. Rihanna là một điển hình cho việc tuân thủ "luật bất thành văn" của các tuần thời trang.
Ngoài ra, những món phụ kiện có thể gây cản tầm nhìn những người ngồi xung quanh cũng là điều tối kỵ khi dự show. Vào ngày đầu của sự kiện, Angela Phương Trinh đội mũ tổ chim khổng lồ khi mặc áo dài Công Trí. Chiếc mũ đính lông vũ quá to và nặng, gây cản trở tầm nhìn của người đẹp lúc di chuyển và xem show. Một thành viên trong ban đón tiếp khách VIP tiết lộ Sơn Tùng M-TP đã xin đổi chỗ thay vì ngồi gần Phương Trinh như sắp xếp ban đầu.
Chủ tịch Tuần lễ thời trang Lê Thị Quỳnh Trang giải thích ban tổ chức tôn trọng cá tính ăn mặc của mỗi người. Họ ủng hộ những người ăn mặc sáng tạo, văn minh, nhưng không cổ súy các chiêu trò để nổi tiếng bằng mọi giá, khiến bản thân trở nên dị hợm, lố bịch trong mắt người xung quanh.
Angela Phương Trinh với chiếc mũ lấn át fashionista Châu Bùi ngồi cạnh.
Theo ông Phạm Huy Cận, giám đốc sản xuất các show thời trang của Đỗ Mạnh Cường, việc đưa ra những quy định cứng rắn là cần thiết để có một thảm đỏ đẹp và văn minh, lịch sự. Ông Huy Cận từng từ chối gần 100 khách vào xem show The Muse 2 vì mặc sai quy định ghi trên thiệp (trang phục bắt buộc là màu đỏ). "Những người bị mời về không giận mà chỉ nói lời xin lỗi, vì chúng tôi ghi rất rõ là ban tổ chức có quyền từ chối những trang phục không phù hợp. Tôi nghĩ trang phục thể hiện văn hóa của cả người mời và người được mời, vì vậy tôi luôn nói chuyện này với khách trước vài tháng để họ chuẩn bị". Theo nhà sản xuất, sau nhiều mùa tổ chức, đến giờ, ai cũng biết để vào xem show Đỗ Mạnh Cường cần tuân thủ nghiêm túc chuyện ăn mặc.
Không chỉ trên thảm đỏ, sàn catwalk cũng chứng kiến những câu chuyện không đẹp về văn hóa đi xem thời trang.
Đêm mở màn của Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2018 có sự góp mặt của rất nhiều người đẹp trong làng thời trang, giải trí. Sau show của Công Trí, khoảng 21h15, nhiều sao ra về khi MC đang giới thiệu bộ sưu tập tiếp theo, bỏ lại những hàng ghế đầu (front row) trống trải.
Đây không phải là lần đầu tiên sao Việt bỏ về giữa suất diễn, gây ra cảnh nhốn nháo trên đường băng. Trước đó, tại Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2016 tại Hà Nội, tình trạng này cũng diễn ra. Ngoài lý do có công việc riêng, một số nghệ sĩ giải thích họ đến theo lời mời trực tiếp từ nhà thiết kế Công Trí. Vì vậy, khi show kết thúc, họ ra về cũng là điều hợp lý. Số khác cho biết họ về vì không muốn PR miễn phí cho các thương hiệu khác.
Hàng ghế đầu được xem là vị trí quyền lực nhất và thường chỉ dành cho người nổi tiếng, khách VIP.
Ban tổ chức Tuần thời trang cho rằng việc bỏ về giữa show chứng tỏ văn hóa ứng xử chưa đẹp. "Ở các tuần lễ thời trang thế giới, khách ở hàng đầu không bao giờ bỏ về giữa chừng. Họ xem hết các show diễn dù là khách mời của nhà thiết kế nào. Bởi front row là nơi hội tụ những người có tầm ảnh hưởng lớn với công chúng. Mọi hành động của họ đại diện cho văn hoá ứng xử nói chung", bà Quỳnh Trang nói. Chủ tịch Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam dẫn chứng nhiều khách quốc tế, các đại sứ nước ngoài cảm thấy kinh ngạc khi đồng loạt hoa hậu, người đẹp kéo nhau về. Điều này khiến bà cảm thấy xấu hổ khi đã ưu tiên những vị trí đẹp nhất cho họ.
Trên trang cá nhân, ông Ryan Hubris - một đại diện khác của ban tổ chức - bức xúc bày tỏ: "Không phải là tất cả, nhưng hầu như khách VIP và nghệ sĩ trong ngày mở màn đều thiếu kiến thức và văn hóa về thời trang. Các bạn rất thiếu tôn trọng ba nhà thiết kế, thương hiệu còn lại. Các bạn lẽ ra không nên làm thế". Theo ban tổ chức, họ không thể đưa ra luật cấm sao ăn mặc "lố" hay bỏ về trước mà chỉ biết hy vọng khách tham dự có cách ứng xử phù hợp hơn ở những mùa tiếp theo.