Sáng nay, ngày 26.4, Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018. Đây là đại hội được dự kiến sẽ sôi động bởi có quá nhiều vấn đề mà cổ đông đặc biệt quan tâm.
Dù năm 2017, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Novaland không ngừng tăng trưởng, nhưng công ty của ông Bùi Thành Nhơn chỉ hoàn thành 2/3 kế hoạch doanh thu đề ra, thị phần môi giới BĐS tụt xuống hạng 3 từ hạng 2 trong năm 2016. Không những vậy cái tên Novaland còn được nhắc tới không lấy làm vui khi liên quan đến dự án The Sunrise Bay Đà Nẵng trong vụ án Vũ “nhôm”.
“Cơn khát vốn” mang tên Novaland
Novaland chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007 sau khi Tập đoàn Nova (tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn) tái cấu trúc và thực hiện nhóm tách thành hai tập đoàn: Anova hoạt động trong lĩnh vực thức ăn gia súc, trang trại chăn nuôi, thuốc thú y; và Novaland hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy mới thành lập, nhưng Novaland của ông Bùi Thành Nhơn được biết đến là một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại TP.HCM hiện nay khi sở hữu nhiều khu đất vàng tại những quận trung tâm thành phố. Chiến lược quen thuộc của ông Bùi Thành Nhơn những năm qua được tiến hành thông qua các thương vụ M&A để thâu tóm các doanh nghiệp có quỹ đất.
Từ khi thành lập đến nay, công ty đã không ngừng mở rộng quy mô vốn, trong đó vốn điều lệ tăng liên tục từ con số 1.200 tỷ đồng đến 8.618 tỷ đồng hiện nay. Trong năm 2017, Công ty đã phát hành 33,46 triệu cổ phần riêng lẻ để hoán đổi khoản vay 60 triệu USD Ngân hàng Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore để tăng vốn điều lệ từ 5.962 tỷ lên 6.497 tỷ đồng.
Tiếp theo, chỉ trong quý I và đầu quý II.2018, Novaland đã nâng vốn thêm hai lần một cách chóng vánh. Trong quý I.2018, sau khi phát hành thành công 9.809.962 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP), công ty đăng ký tăng vốn điều lệ từ 6.497 tỷ đồng lên 6.595 tỷ đồng.
Đến đầu tháng 4, công ty thông báo đã phát hành hơn 202,3 triệu cổ phiếu mới thưởng cho cổ đông với tỷ lệ phát hành 100:31 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 31 cổ phiếu mới). Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 2.023 tỷ đồng như vậy vốn điều lệ tiếp tục được tăng lên 8.618 tỷ đồng.
“Cơn khát vốn” không chỉ dừng lại ở đó, Novaland dự kiến tiếp tục triển khai phương án chào bán 80 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2018 với giá chào bán tối thiểu 30.000 đồng/cổ phần, tối đa là 90.000 đồng/cổ phần. Ngoài ra, trong cuộc họp cổ đông lần này, HĐQT sẽ trình lên cổ đông phương án phát hành Trái phiếu quốc tế với khối lượng phát hành 800 trái phiếu và giá trị phát hành lên đến 160 triệu USD để niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Singapore.
Như vậy, không chỉ gọi vốn trong nước Novaland còn mong muốn thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việc niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài là một cách tiếp cận vốn ngoại dễ dàng. Trước Novaland, từng có nhiều doanh nghiệp bày tỏ tham vọng niêm yết ở nước ngoài như mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Vietjet Air, Vinamilk, VNG...
Tuy nhiên quá trình niêm yết gặp nhiều khó khăn, thủ tục pháp lý phức tạp nên cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đưa cổ phiếu của mình tham gia vào thị trường chứng khoán nước ngoài. Liệu Novaland có phải là trường hợp ngoại lệ?
M&A và những hệ luỵ
Nguồn cơn của việc tăng vốn liên tục có thể được lý giải một phần bởi con đường M&A mà công ty này đã chọn để phát triển kinh doanh. Những năm qua, Novaland vẫn miệt mài đi tìm kiếm và thâu tóm, sáp nhập các doanh nghiệp có quỹ đất trên địa bàn TP.HCM và một vài địa điểm tiềm năng khác.
Chỉ trong năm 2017, Novaland đã mạnh tay chi hơn 6.367 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, từ tháng 2 đến tháng 10.2017 có tổng số 8 công ty con đã về tay doanh nghiệp này.
Ngoài ra, hoạt động bán và sáp nhập trong năm cũng “sôi động” không kém với việc Novaland đã bán 6 công ty và thực hiện thêm 3 thương vụ sáp nhập. Việc thoái vốn các công ty con đem về cho công ty này khoản lãi hơn 92 tỷ đồng đối với hai công ty CP Địa ốc Nova Galaxy và Công ty CP Bất động sản Nova Lexington.
Tuy nhiên số lượng thương vụ bán lỗ lên đến 4 công ty (Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Vương Cung, Công ty TNHH Bất động sản Hưng Đức, Công ty CP Du lịch và Nghỉ dưỡng Nova Phù Sa, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nova Phù Sa) và giá trị khoản lỗ là gần 800 triệu đồng.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính năm 2017 giảm hơn 836 tỷ đồng tương ứng tỷ trọng giảm 49,29% so với năm 2016 do đánh giá lại khoản đầu tư ban đầu của Tập đoàn vào Công ty Cảng Phú Định và Công ty TNHH Sài Gòn Gôn tại ngày nắm được quyền kiểm soát. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Novaland không đạt kế hoạch.
Bên cạnh đó, việc mở rộng đầu tư cũng từng khiến cho cái tên Novaland được nhắc tới không lấy làm vui khi liên quan đến dự án The Sunrise Bay Đà Nẵng. Được biết thành viên góp vốn 99% vào The Sunrise Bay Đà Nẵng là Công ty CP Thương mại đầu tư phát triển Hoàng Huy. Cổ đông lớn của Hoàng Huy là Công ty Gia Đức (19%). Đây là doanh nghiệp mà tập đoàn Novaland đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu vào đầu tháng 4.2017.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 9.2017 có thông tin rằng Công ty Gia Đức không còn cổ phần nào tại Hoàng Huy. Dù vậy, do đã từng liên quan nên có thể Novaland sẽ không tránh khỏi hệ luỵ và có thể đây sẽ là một trong những chủ đề mà cổ đông sẽ nhắc đến trong đại hội sáng nay.