Theo tiền lệ 4 năm trở lại đây, quý đầu tiên của năm thường là quý ghi nhận kết quả kinh doanh thấp nhất trong năm của Vinacafe Biên Hòa (cổ phiếu VCF). Thậm chí quý I của năm 2016 và 2017, Vinacafe Biên Hòa đều ghi nhận lỗ. Tuy nhiên tình hình đã thay đổi, báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I.2018 cho thấy Vinacafe Biên Hoà báo lãi ròng tới 146 tỷ đồng nhờ bán hàng qua Masan Consumer và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Đảo chiều ngoạn mục nhờ cổ đông lớn Masan
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý của Vinacafe Biên Hòa đạt hơn 720 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Đi cùng với tăng doanh thu, chi phí cũng được tiết giảm mạnh: chi phí bán hàng giảm tới 90%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 64%.
Lợi nhuận sau thuế quý I.2018, theo đó, ghi nhận hơn 146 tỷ đồng, “lội ngược dòng” so với con số lỗ gần 38 tỷ đồng cùng kỳ năm trước và tương đương khoảng 30% kế hoạch năm.
Theo giải trình của Công ty, sự tăng trưởng mạnh trong hoạt động kinh doanh là kết quả của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ “bán hàng hóa” sang “xây dựng thương hiệu” và việc thay đổi mô hình bán hàng, phân phối thông qua công ty mẹ là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer).
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018, lãnh đạo Vinacafe Biên Hòa cho biết công ty sẽ tận dụng tối đa kênh bán hàng chuyên biệt của Masan cho từng ngành hàng, từ đó không còn phải lo các khoản chi phí bán hàng nữa. Từ đó, Công ty mạnh tay đặt kế hoạch lãi ròng tăng trưởng khá cao cho năm 2018, tăng khoảng từ 25-30% lên 450-500 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cũng ghi nhận sự sụt giảm chi phí, như chi phí quảng cáo giảm mạnh từ 79,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống còn 54 tỷ đồng trong quý I.2018, chi phí kho vận từ 11,5 tỷ đồng xuống còn 1,5 tỷ đồng…Những khoản này đã làm giảm chi phí phải trả quý I.2018 xuống còn 80,9 tỷ đồng.
Vinacafe Biên Hòa được Công ty TNHH MTV Masan Beverage, một công ty thành viên của Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN). Cuối năm 2017, Masa Beverage tiến hành chào mua công khai toàn bộ cổ phần Vinacafe Biên Hòa (VCF) để tăng tỷ lệ sở hữu từ mức hiện tại là 68,5% lên 100%.
Theo tìm hiểu cơ cấu cổ đông, đến ngày 6.2.2018, tỷ lệ sở hữu của Masan tại Vinacafe Biên Hòa đã lên đến 98.49%. Chốt phiên giao dịch ngày 24.4, cổ phiếu VCF tăng trần với giá 159.900 đồng/cổ phiếu và là cổ phiếu có thị giá cao trên thị trường chứng khoán Việt.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu nhưng câu chuyện cafe bẩn xuất hiện từ giữa năm 2017 và hiện tại là câu chuyện cà phê trộn pin, thuốc ung thư làm từ than tre gần đây làm đã dấy lên nỗi lo của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm. Điều này có thể khiến các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, thủ công chết theo khi niềm tin của người tiêu dùng đang dần mất đi và đối nghịch với nó là cú “lội ngược dòng” của Vinacafe Biên Hoà khi đạt lợi nhuận khủng trong quý I.2018.
Khủng hoảng café pin và cơ hội của Vinacafe Biên Hoà?
Từ khi về một nhà với Masan, Vinacafe Biên Hòa như hổ mọc thêm cánh, lợi nhuận cùng nhau đi lên. Thế nhưng Vinacafe dường như đã “lây” phong cách quảng cáo của Masan. Là một Tập đoàn lớn với nhiều sản phẩm tiêu dùng, Masan liên tục tung ra các chương trình quảng cáo ấn tượng.
Còn nhớ tháng 8.2016, Vinacafe Biên Hoà đã đưa ra quảng cáo với slogan “tại Vinacafe, chúng tôi luôn tin rằng “cà phê phải là cà phê”. Ngay sau đó, một làn sóng dư luận đã bùng lên theo chiều hướng nghi vấn: “Vậy, từ trước đến nay Vinacafe cho người tiêu dùng uống cà phê trộn với cái gì?”. Nhiều người cho rằng, chiến dịch marketing của Vinacafe Biên Hoà không khác gì một lời tự thú?
Và thị trường đang chờ đợi một kế hoạch maketting mới của Vinacafe Biên Hoà sau câu chuyện cà phê trộn pin, thuốc ung thư làm từ than tre của một vài cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, thủ công.
Chắc hẳn thị trường vẫn chưa quên chiến dịch truyền thông về nước mắm truyền thống chứa Asem cuối năm 2016 khiến cho các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống lao đao. Ngay sau đó, đầu năm 2017, Masan tung ngay chiến dịch maketing về những sản phẩm nước mắm Tam thái tử, Nam ngư, Chinsu không chứa Asem được quảng cáo rầm rộ trên truyền hình và một số phương tiện truyền thông.
Liệu sau sự cố cà phê pin, Vinacafe Biên Hoà có “lây” cổ đông lớn Masan để thực hiện kịch bản "cũ"? Cần phải nói rằng, sau cuộc khủng hoảng truyền thông về nước mắm truyền thống chứa Asem, chiến dịch maketing về nước mắm không chứa Asem của Masan không gây được thiện cảm với người tiêu dùng.
Và kết quả kinh doanh năm 2017 của Masan phản ánh phần nào khó khăn của tập đoàn này trong ngành nghề chính. BCTC hợp nhất năm 2017 của Masan cho thấy đây là một năm đầy biến động đối với các mặt hàng kinh doanh cốt lõi của Masan. Doanh thu thuần từ mức kỷ lục 43.297 tỷ đồng trong năm 2016 giảm xuống còn 37.621 tỷ đồng trong năm 2017 tương ứng tỷ trọng giảm 13,1%.
Cụ thể, doanh thu mảng chăn nuôi heo và sản xuất thức ăn chăn nuôi, mảng chiếm hơn một nửa tổng doanh thu của tập đoàn này, giảm 23% trong năm qua.
Ngoài ra, ở mảng thực phẩm và đồ uống, doanh thu cũng giảm 9% tương đương 1,3 nghìn tỷ đồng do áp dụng chiến lược chuyển đổi mô hình kinh doanh từ “bán hàng hoá” sang “xây dựng thương hiệu”.
Lợi nhuận cán đích là nhờ vào doanh thu đến từ hoạt động khai thác khoáng sản, mà cụ thể là mỏ Núi Pháo đem về hơn 5.400 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm 2016 nhờ giá vonfram tăng. Một nguồn thu nữa là hoạt động tài chính khi ghi nhận 931,6 tỷ đồng thu nhập tài chính đến từ hoạt động bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank.
Bên cạnh đó, lợi nhuận gộp từ 2 mảng là Masan Consumer Holdings và Masan Nutri-Science đều giảm đáng kể, lần lượt còn 5.897 tỷ và 3.991 tỷ đồng.
Ngoài ra, những con số tài chính cũng phần nào lộ rõ rủi ro và thách thức Masan đã, đang và sẽ đối mặt trong chặng đường hướng đến xây dựng thương hiệu. Một số chỉ tiêu tài chính đáng quan tâm khác, tiền và các khoản tương đương tiền Masan giảm gần một nửa còn 8.057 tỷ đồng.
Mức giảm này chủ yếu do doanh thu và lợi nhuận giảm, cùng một số khoản chi tiền mặt lớn bao gồm chia trả cổ tức, mua lại cổ phiếu quỹ và trả các khoản vay được bù đắp bởi khoản thu (từ khoản huy động vốn từ KKR nhằm bán cổ phần MNS hay bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank).
Theo đó, cùng với mức giảm đầu tư vào công ty liên kết do việc bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank khiến tổng tài sản Masan giảm 13% còn 63.529 tỷ đồng. Masan là một tập đoàn đầu tư đa ngành với rủi ro thách thức từ nhiều lĩnh vực, vậy nên Vinacafe Biên Hoà cần phải cân nhắc cơ hội truyền thông từ cafe pin để tránh đi vào khó khăn mà cổ đông lớn Masan đang gặp phải.