Nguyễn Thị Song Trà (21 tuổi), hiện là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong suốt 3 năm qua, với vai trò là Trưởng Ban tổ chức của S Project - dự án Giáo dục giới tính được hỗ trợ bởi Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCHIP), Trà cùng các thành viên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức của các em nhỏ về vấn đề giới tính, đặc biệt là phòng chống xâm hại tình dục.
Song Trà nói vui, hình dáng nhỏ nhắn bên ngoài tỉ lệ nghịch với động lực lớn lao bên trong của cô. Ảnh: NVCC
Về ý tưởng thành lập dự án, Song Trà chia sẻ, cách đây vài năm, cháu gái 10 tuổi từng hỏi cô rằng: “Cô ơi, con được sinh ra từ đâu?”. Câu hỏi đó khiến cô bối rối, chưa biết trả lời thế nào để cháu hiểu. Luôn được mẹ chỉ cho kiến thức về giới từ khi còn nhỏ, Trà nghĩ rằng chắc chắn nhiều bậc làm cha mẹ cũng sẽ gặp khó như khi cô gặp câu hỏi của cháu gái.
Từ câu hỏi trên, cô suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề giới tính, tìm hiểu các vụ án xâm hại tình dục (XHTD - PV) trẻ em và tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam cũng như phương pháp giáo dục giới tính ở các nước trên thế giới.
Tháng 10.2015, trước nạn XHTD trẻ em ngày càng nhức nhối, Trà quyết định xây dựng dự án S Project giúp các em có những hiểu biết căn bản về giới tính, tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại.
Bên cạnh việc giảng dạy ở các trường học trên địa bàn Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình... dự án còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác nhau nhằm tạo nên sự đa dạng và khơi gợi sự thích thú, tò mò từ các em nhỏ. Nhiều hoạt động có sự đồng hành của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Song Trà trong một buổi giảng dạy về giáo dục giới tính cho các em học sinh. Ảnh: NVCC
Cô sinh viên trường Báo chia sẻ rằng, bản thân cô rất vui khi nhìn thấy các em nhỏ chăm chú lắng nghe, đặt ra nhiều câu hỏi và háo hức tham gia các hoạt động của dự án. Nhưng đồng thời cô cũng rất đau lòng khi nhận được những tâm sự thầm kín không chỉ các em nhỏ mà cả các em ở độ tuổi thanh thiếu niên gửi về cho dự án.
Nhiều em nhỏ bị chính người thân, người quen xâm hại nhưng lại không dám nói ra, dám lên tiếng vì cảm thấy xấu hổ và sợ bị đe dọa. Thậm chí nhiều em còn không nhận thức được đó có phải là hành vi xâm hại hay không.
Trà chia sẻ trường hợp khiến cô ám ảm nhất: Một nữ sinh lớp 12 bị chính anh trai mình xâm hại. Người anh trai đó đã có gia đình nhưng lại có hành vi mất nhân tính đối với chính em gái mình. Em bị xâm hại nhiều lần nhưng không dám lên tiếng vì sợ hãi, vì xấu hổ.
Mỗi lần lắng nghe những lời tâm sự như thế, Trà lại nghẹn ngào vì thương các em nhưng vẫn cố nén lại để động viên, đưa ra những lời khuyên tốt nhất vì cô hiểu rằng những lúc này, mình phải là điểm tựa vững chắc khi các em đang rơi vào tình trạng hoang mang và mất phương hướng.
Nhiều em nhỏ hào hứng tham gia các buổi học do dự án tổ chức. Ảnh: NVCC
Nhớ lại những khó khăn ban đầu khi triển khai dự án, cô gái nhỏ nhắn kể về những ngày nắng nóng mùa hè, đi đến từng cơ quan để gửi hồ sơ xin tài trợ. Tuy nhiên, thứ cô nhận được chỉ là những cái lắc đầu và sự hoài nghi...
Khó khăn chưa dừng lại ở đấy, việc xin được dạy trong các trường học cũng vô cùng vất vả. Song Trà tâm sự: “Thời gian đầu đi xin dạy ở các trường, nhà trường còn tỏ ra hoài nghi vì dự án được thành lập bởi sinh viên nên họ nghĩ bọn em chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong việc giảng dạy”.
Nhưng rồi sau nhiều lần giải thích, thuyết phục, Trà cũng được nhà trường đồng ý cho dạy thử vào tiết hoạt động ngoài giờ. Không bỏ lỡ mất cơ hội quý giá này, cùng với quyết tâm cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi giảng dạy, Trà đã thành công trong việc thuyết phục Ban Giám hiệu nhà trường cho phép được giảng dạy tiếp những lần sau.
“Dự án này như đứa con tinh thần và tôi luôn cố gắng dành thời gian phát triển để có thể tiếp cận được nhiều em nhỏ ở nhiều vùng miền khác nhau hơn. Tôi hi vọng rằng, với những nỗ lực mà mình và các thành viên đang ngày ngày vun đắp sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các em nhỏ về giới tính, giúp các em biết tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại”, cô sinh viên nhỏ bé tự hào.