Điều chỉnh lịch xả nước
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), dự kiến diện tích cần tưới nước trong vụ ĐX tới ở các tỉnh miền Bắc khoảng gần 952.000ha, trong đó riêng đồng bằng sông Hồng là trên 550.000ha. Dự kiến, lịch xả nước sẽ được chia làm 2 đợt: Đợt 1, bắt đầu từ ngày 1 đến 9.2.2012 và đợt 2, từ 15 đến 22.2.2012. Mực nước sông Hồng trong thời điểm này dự báo đạt 2,2m, đảm bảo lấy được nước đổ ải.
Sản xuất vụ đông xuân 2011-2012 ở miền Bắc cần đảm bảo đúng thời vụ. |
Ông Nguyễn Văn Chung- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Ninh cho rằng: “Với lịch xả nước như trên, sẽ rất khó khăn trong đổ ải, bởi thường lấy nước vào phải ngâm mất 5-7 ngày, cộng với thời gian làm đất, thì thời vụ gieo trồng có thể kéo dài thêm đến nửa tháng, như vậy sẽ không kịp để lúa trỗ vào thời điểm đầu và giữa tháng 5.2012”. Theo đề xuất của ông Chung, lịch xả nước cần được tiến hành sớm hơn, cụ thể đợt 1 bắt đầu xả từ ngày 23.1 (tức mùng 1 Tết) đến hết tháng 1.2012. Các địa phương khác như Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nội… cũng đề nghị Tổng cục Thủy lợi cần tiến hành xả nước vào thời điểm trên.
Ông Đặng Duy Hiển - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình, Tổng cục Thủy lợi cho biết: “Để đảm bảo nước tưới cho vụ ĐX tới, các địa phương cần tập trung nạo vét các cửa khẩu, bể hút trạm bơm, kênh mương các cấp, tổ chức triển khai làm chiến dịch thủy lợi nội đồng. Chuẩn bị máy bơm dã chiến, gầy, guồng để bơm tát khi nước xuống quá thấp. Có lịch lấy nước cụ thể cho từng địa phương, tránh tình trạng tranh chấp hoặc thiếu nước giả tạo, đặc biệt trong thời kỳ đổ ải đại trà”. Theo kế hoạch, vụ ĐX tới, tổng khối lượng bùn đất cần nạo vét khoảng 18-22 triệu m3.
Sẽ sản xuất 7 triệu tấn lúa
Tại hội nghị hôm qua, Bộ NNPTNT đã công bố tổng diện tích gieo trồng vụ ĐX 2011-2012 tại các tỉnh miền Bắc là 1,145 triệu ha (giảm 7.000ha so với vụ ĐX 2010-2011), năng suất bình quân đạt 61,5 tạ/ha với tổng sản lượng ước đạt 7 triệu tấn lúa. Đặc biệt, trong vụ ĐX này, Bộ NNPTNT đã đề ra chủ trương, mỗi tỉnh cần thử nghiệm xây dựng một vài mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cơ sở dồn điền, đổi thửa, áp dụng giống mới, cơ sở hóa sản xuất, từng bước phát triển ngành lúa gạo theo hướng sản xuất lớn, hiệu quả cao.
Ông Trần Xuân Định- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình đồng tình: “Thực tế, ở Thái Bình đã áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn để trồng cây đậu tương và hiệu quả tốt, chúng ta nên động viên sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở một số địa phương ngay trong vụ ĐX tới đối với cây lúa”.
Ông Lê Xuân Thủy- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cũng cho rằng: “Để hình thành được các mô hình cánh đồng mẫu lớn, chúng ta cần thực hiện việc dồn điền, đổi thửa theo hướng mỗi hộ chỉ còn 1-2 mảnh ruộng”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: “Bộ NNPTNT rất khuyến khích các địa phương sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cũng cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã có 4 năm liên tiếp được mùa trong vụ ĐX, rút kinh nghiệm từ các vụ trước, các địa phương cần tích cực chuyển sang trà lúa muộn. Đồng thời, Bộ cũng sẽ nghiên cứu, xem xét lại lịch xả nước đổ ải với thời gian sớm hơn, có thể bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết (tức 26.1.2012) để phù hợp với thời vụ gieo cấy của các tỉnh”.
Ngọc Lê