Ông có nhận xét gì về chùm phim dự giải Cánh diều 2017?
- Nhìn chung, 13 phim tham dự chất lượng không đồng đều, có phim tiệm cận 4 tiêu chí của giải nhưng cũng có những phim chẳng thấy tiêu chí nào ở trong đó. Còn số đông được cái này nhưng lại yếu ở cái kia. Bởi vậy, giải cá nhân năm nay không tập trung vào những bộ phim được giải mà tản mát trong các phim khác nhau.
Đây là giải của Hội nghề nghiệp nên đề cao tính chuyên nghiệp nhưng đối với một tác phẩm nghệ thuật không phải chỉ là giỏi về nghề. Có những phim về nghề rất giỏi nhưng nội dung lại thiếu vắng tính dân tộc, tính nhân văn, kể cả mặt hiệu ứng xã hội, liệu bộ phim đó đã mang đến một cảm xúc về thẩm mỹ chưa hay chỉ kéo khán giả đến xem chỉ để giải trí thuần túy.
NSƯT Vũ Xuân Hưng - Trưởng ban giám khảo hạng mục phim điện ảnh.
Về đề tài, các phim chủ yếu tập trung về gia đình, tình yêu học đường, thiếu vắng những vấn đề bức thiết của con người, của xã hội, thiếu vắng những nhân vật có tầm vóc cả về thể chất lẫn tinh thần và thực hiện mục đích cao cả hoặc mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, thiếu những dạng phim triết lý dưới hình thức mang tính thể nghiệm. So với năm 2016, năm nay đã có phim nghệ thuật mặc dù chất lượng chưa tới và cũng có những phim thị trường làm rất nghệ thuật, có nghề.
Ông có thể chỉ rõ những mặt ưu – nhược trong chùm phim lần này?
- Về mặt nội dung, năm nay đã có những bộ phim nghệ thuật mang hơi hướng tác giả như Đảo của dân ngụ cư. Còn Dạ cổ hoài lang dựa theo một tác phẩm sân khấu cũng nói được tâm trạng và thân phận của một bộ phận người Việt ở hải ngoại, đề cao văn hóa dân tộc, coi văn hóa dân tộc như chỗ dựa tinh thần, như một sự cứu rỗi trong tâm hồn người Việt xa xứ, gắn vào đó là tính cách số phận nhân vật, chứ không áp đặt nội dung đó cho bộ phim. Hay như Cô Ba Sài Gòn đã thể hiện tình yêu với văn hóa dân tộc, khao khát muốn thể hiện mình thông qua văn hóa dân tộc để bảo tồn nó.
Trong phim Việt, nhân vật đã có tính cách và số phận. Có thể thấy, tính cách nhân vật trong Cô Ba Sài Gòn thể hiện rõ nét ở các nhân vật như Thanh Mai, Như Ý, Thanh Loan và An Khánh (hiện thân của Như Ý). Tuy nhiên, số phận các nhân vật ở đây cũng chưa được rõ nét lắm mặc dù trong phim có hai thì quá khứ và hiện tại. Điện ảnh Việt trước đây vốn thiếu những nhân vật có mục đích sống, đặc biệt là những mục đích sống cao đẹp nhưng trong chùm phim lần này có hai phim thể hiện nhân vật đã có mục đích sống: Cô Ba Sài Gòn thể hiện sự cao đẹp, trong sáng, hướng thiện và ngược lại trong Em chưa 18 nhân vật cũng có mục đích nhưng hơi nổi loạn để thực hiện mục đích ấy.
Về nghệ thuật thể hiện. Có những phim làm rất chuyên nghiệp tạo sự lôi cuốn, những tình huống liên tục vừa hợp lý lại vừa bất ngờ. Ví dụ ở Em chưa 18. Có sự sáng tạo trong cách thể hiện phân thân nhân vật đối nghịch xuyên không giữa hiện thực và giả tưởng của Cô Ba Sài Gòn, tự bản thân nhân vật có mâu thuẫn để giải quyết, tìm hướng tích cực cho chính bản thân chứ hoàn toàn không bế tắc. Ngoài ra, cũng có phim kết hợp giữa hiện tại và quá khứ khá nhuần nhuyễn, kết hợp với việc sử dụng kỹ xảo hợp lý khiến bộ phim sinh động, tươi tắn hơn đúng với tâm hồn của tuổi trẻ như Cô gái đến từ hôm qua. Tuy nhiên, điểm đáng tiếc của bộ phim này là ôm đồm và tham chuyện, hơn nữa Ngô Kiến Huy hơi bị già so với nhân vật nên nhiều đoạn phải “cưa sừng làm nghé”.
Cảnh trong phim Dạ cổ hoài lang.
Có ba bộ phim được cái nọ thì lại hỏng cái kia. Trong đó, bộ phim gây nhiều tranh cãi trong ban giám khảo là Dạ cổ hoài lang. Đây là một câu chuyện không mới nói về thân phận của những người Việt xa xứ. Bộ phim có nhược điểm là không gian chật hẹp, đơn điệu và giải quyết nội dung chủ yếu qua thoại. Nhưng bù lại, phim rất giàu cảm xúc dù là cảm xúc rất sân khấu, ví dụ cái chết của Tư Lành (Hoài Linh) là rất sân khấu, không có sự chuẩn bị trước. Đáng lẽ phải có tình huống báo trước cho khán giả biết ông này sức khỏe đã yếu và từ nhà dưỡng lão trốn về không phải chỉ để làm đám giỗ vợ mà là về để gặp lại con cháu khi cảm thấy yếu quá rồi. Khi đó đến cái chết cuối của ông ấy sẽ hợp lý. Còn chỉ giải quyết cái chết vì quá lạnh là chưa thực sự thuyết phục. Tuy nhiên, bộ phim vẫn lấy được nhiều cảm xúc của người xem. Có thể nói, tác giả kịch bản và đạo diễn đã làm cho đời sống của nhân vật sinh động hơn khi họ đẩy câu chuyện về quá khứ có một mảng miền quê, mảng đời sống lúc trẻ, là cuộc tình tay ba giữa hai anh chàng nhà giàu - nhà nghèo. Điều này cũng gợi nhiều cảm xúc với người xem, đặc biệt cái kết với ca khúc Đi để trở về được thể hiện bởi giọng ca Uyên Linh, hòa âm bởi giám đốc âm nhạc Đức Trí cộng với cách quay đã đánh động đến tình cảm quê hương, khiến người xem dâng trào cảm xúc. Đây là một trong những bộ phim, âm nhạc đã có sự song hành với hình ảnh.
Bộ phim Mẹ chồng khắc họa được tính cách nhân vật, mô hình hóa được số phận nhân vật. Đây vừa là điểm mạnh nhưng lại là điểm yếu của phim bởi cứ mẹ chồng là thành người ác. Đáng lẽ, phim nên tập trung vào cô Ba Trân (Thanh Hằng), một con người đang là “nạn nhân” bởi sự độc đoán lại trở thành “tội phạm” khi quyền lực rơi vào tay mình nên yếu tố nhân văn bị méo mó. Rất tiếc, nhân vật này lại không có sự đấu tranh giữa hai khoảng sáng tối ấy.
Cảnh trong phim Đảo của dân ngụ cư.
Bộ phim có không khí điện ảnh rõ nét là Đảo của dân ngụ cư và điều này được minh chứng bởi tay nghề quay phim của NSND Lý Thái Dũng. Phim hay là ở quá trình chứ không phải hay ở kết quả nhưng Đảo của dân ngụ cư lại toàn là kết quả. Từ ý định của bà mẹ muốn đứa con gái tật nguyền có một đứa con nhưng chỉ qua một câu thoại, đáng lẽ bà phải có sự trao đổi với cô con gái và nói chuyện với cậu người làm về ý định đó ra sao thì câu chuyện sẽ khác. Ý định của cô con gái cũng không rõ cô này muốn gì trong việc quan hệ với hai cậu người ở. Tôi muốn kết phim sẽ là một cuộc chạy trốn giữa hai nhân vật của Hồng Phước và Ngọc Thanh Tâm. Thậm chí trước khi đi, cô sẽ đốt cái quán như để xóa đi những ký ức đã tiêu diệt phần hồn của mình. Như vậy, nhân vật trong phim sẽ có mục đích hơn.
Trên đây là 6 bộ phim được đề cử, còn ở mảng phim làm lại (remake), nổi lên có Ngày mai Mai cưới với cách thể hiện ngộ nghĩnh, dễ thương, ít lỗi. Trong ban giám khảo có người nói các diễn viên diễn kịch quá nhưng theo tôi, thể loại này diễn kiểu đó là cần thiết, không sống sượng. Chỉ có điều nếu bỏ đi chi tiết các nhân vật nam đã tốt nghiệp đại học thì hợp lý hơn với những hình hài trẻ trâu không thuyết phục trong phim.
Ở đây có nắng cũng là phim có chuyện để nói, có tình huống nhưng cách xử lý lại chưa tới, không thật. Đặc biệt ở cuối phim, đẩy tình huống bằng sự xuất hiện của ông bố đẻ (Huy Khánh) lại trở thành khiên cưỡng.
Ngoài ra, còn nhiều phim kể một câu chuyện không mạch lạc, rối rắm về bố cục, tối nghĩa, lúng túng khi xử lý giữa các thì thời gian, hoặc xử lý các không gian quá đơn giản, mang tính áp đặt như Giấc mơ Mỹ.
Cảnh trong phim Cô Ba Sài Gòn.
Cô Ba Sài Gòn đã giành chiến thắng nhưng có nhận được sự đồng thuận cao của ban giám khảo không, thưa ông?
- Có thể nói, khi đề cử phim vào khung giải thì ban giám khảo cũng xảy ra nhiều tranh luận. Tuy nhiên, bộ phim ít bị tranh luận nhất cũng như tìm được tiếng nói chung khá nhanh là Cô Ba Sài Gòn. Mặc dù cũng có ý kiến cho rằng nếu trao giải Vàng cho bộ phim này chưa thực sự thuyết phục lắm nhưng so với mặt bằng chung thì Cô Ba Sài Gòn là xứng đáng nhất.
Đối với giải cá nhân, tôi có đề xuất các thành viên trong ban giám khảo ở lĩnh vực nào thì chủ động đề xuất cho giải cá nhân. Nói chung ở giải cá nhân không có những tranh luận nhiều.
Xin cảm ơn ông!