Dân Việt

Nước giàu như Nhật Bản vẫn đứng đầu danh sách vay nợ nhiều nhất thế giới

Cẩm Chi (theo Business Insider) 26/04/2018 15:40 GMT+7
Một số quốc gia phát triển như Singapore, Bỉ và Nhật Bản vẫn nằm trong danh sách các nước vay nợ nhiều nhất.

Vay nợ là một hoạt động và một phần của bất kỳ nền kinh tế đang hoạt động nào. Các chính phủ vay tiền để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng như đường xá, bệnh viện và trường học cũng như thực hiện những lời hứa như cắt giảm thuế.

Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn thế giới đã tăng lên trong những năm gần đây khi các chính phủ tranh thủ lãi suất thấp kỷ lục để vay nợ.

Vay nợ là điều tốt đối với sự vận hành của nền kinh tế nhưng vay nợ mất kiểm soát có thể trở thành điều xấu, đặc biệt trong suy thoái kinh tế. Ngay cả các khoản nợ lãi suất thấp cũng có thể vượt quá khả năng chi trả nếu một quốc gia vay nợ quá nhiều và sức sản xuất bắt đầu giảm sút.

Về cơ bản, tỷ lệ nợ trên GDP càng thấp thì càng tốt. Mức nợ của chính phủ tính theo phần trăm GDP cho thấy quốc gia đó có thể trả nợ đến đâu mà không cần phải vay thêm. Dưới đây là những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất thế giới theo Báo cáo Thực trạng Thế giới thường niên của Cục Tình báo Mỹ (CIA) năm 2017. 

15. Tây Ban Nha – 99,6%: Là nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro, nền kinh tế của Tây Ban Nha đang chiến đấu với tỷ lệ thất nghiệp cao bất thường, đặc biệt trong giới trẻ.

img

Ảnh: Reuters.

14. Mozambique – 100,3%: Đầu năm 2017, Mozambique trở thành tiêu điểm trên mặt báo sau khi có thông tin hơn 500 triệu USD trong khoản vay 2 tỷ USD của nước này bị thất thoát.

13. Cộng hòa Síp - 104,6%: Trao đổi nhiều với Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro, không ngạc nhiên khi Cộng hòa Síp phải chịu gánh nặng nợ khổng lồ. Mọi việc càng tồi tệ hơn khi xếp hạng tín dụng của nước này bị hạ xuống mức “rác”, khiến cho việc vay nợ càng trở nên khó khăn.

img

Ảnh: Getty.

12. Bỉ - 106,7%: Dù là nơi cư trú của một số cá nhân quyền lực nhất thế giới với trụ sở chính của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels nhưng quốc gia này vẫn phải chịu mức nợ chính phủ cao do phải vật lộn với các quy định ngặt nghèo về thuế và lao động.

img

Ảnh: Getty.

11. Barbados - 108,9%: Thiên đường thuế Barbados là quốc gia giàu có và phát triển nhất ở vùng biển phía đông Caribbe. Tuy nhiên, triển vọng phát triển đã không còn sáng sủa sau khi nước này áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để chống lại tác động của khủng hoảng tín dụng.

10. Grenada - 110%: Quốc đảo Caribbe này đã tích tụ khối nợ lớn không bền vững trong những năm gần đây và đã bị vỡ nợ vài lần.9. Singapore - 110,5%: Trong nỗ lực giải quyết các khoản nợ lớn tồn đọng nhiều năm, chính phủ Singapore đang tìm kiếm những cách thức mới để phát triển nền kinh tế và nâng cao năng suất.

img

Ảnh: Shutterstock.

8. Cape Verde - 116,8%: Gánh nợ của quốc đảo nhỏ ở Đại Tây Dương này đã tăng nhanh trong những năm gần đây, với tỷ lệ nợ/GDP tăng từ 70% vào năm 2010.

7. Eritrea - 119,8%: Đất nước châu Phi nhỏ bé này là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới với GDP chỉ khoảng hơn 2,1 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới, Eritrea đã chịu thâm hụt tài khóa trong nhiều năm kể từ khi sự bất ổn trong an ninh khu vực tăng cao vào năm 1998. Điều này “đã dẫn đến gánh nặng lớn nợ công không bền vững”.

6. Bồ Đào Nha - 126,2%: Dù đã kết thúc chương trình cứu trợ vào giữa năm 2014 nhưng Bồ Đào Nha vẫn đang cố gắng phục hồi từ những tác động của cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro.

img

Ảnh: Reuters.

5. Jamaica - 130,1%: Hòn đảo Caribbe này là một trong những quốc gia nặng nợ nhất thế giới sau hàng thập kỷ thường xuyên đi vay. Nước này thường nhận được các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để trả các khoản nợ, điều này khiến vấn đề của Jamaica càng kéo dài thêm.

3. Italy – 132,5%: Italy là nước mắc nợ nhiều thứ 2 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và có lẽ là rủi ro kinh tế lớn nhất của khối tiền tệ này. Hệ thống tài chính của đất nước ở trong tình trạng hỗn loạn với hai ngân hàng được bảo lãnh hồi đầu năm 2017. 

3. Lebanon - 132,5%: Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, Lebanon có nguy cơ cao đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ dựa trên các số liệu về khả năng thanh toán yếu kém của nước này.

2. Hy Lạp - 181,6%: Kể từ cuộc khủng hoảng nợ quốc gia năm 2010, Hy Lạp vẫn đang vật lộn để trả nợ sau khi được các chủ nợ quốc tế bảo lãnh và tiếp tục thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

img

Ảnh: Reuters.

1. Nhật Bản - 234,7%: Nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng và tốc độ tăng trưởng gần như đóng băng do năng suất yếu trong những năm gần đây.

img

Ảnh: Reuters.