Tổng thống Pháp phát biểu trước Quốc hội Mỹ về Iran
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Macron kêu gọi người đồng cấp Donald Trump giữ lại thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời cảnh báo Tehran rằng Pháp sẽ vẫn giữ quan điểm ngăn chặn bất kỳ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân nào.
“Iran sẽ không bao giờ sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào. Không phải trong 5 năm, 10 năm tới. Không bao giờ”, ông Macron tuyên bố.
Theo ông chủ điện Elysee, dù thỏa thuận hạt nhân Iran hiện tại không hoàn hảo theo cách mà Tổng thống Trump muốn, Mỹ và thế giới vẫn cần duy trì thỏa thuận này cho tới khi có một phương án khác thay thế.
Phản ứng trước tuyên bố này, lãnh đạo phe đối lập Pháp Jean-Luc Mélenchon cảnh báo các nỗ lực áp đặt Iran của cả ông Trump và ông Macron đang khiến nguy cơ một cuộc chiến tranh với quốc gia Trung Đông “đang tới rất gần”.
“Đây là một nỗ lực thảm hại của Macron để khiến bản thân tương đồng hơn với Trump. Tại Iran, chiến tranh đang tới rất gần. Macron là một mối đe dọa nguy hiểm với hòa bình”, ông Mélenchon lên tiếng trên mạng xã hội Twitter.
Trước đó, Tổng thống Trump đã thường xuyên “thề” sẽ rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết hồi năm 2015 giữa Tehran, Washington, Moscow, Bắc Kinh, London, Paris cùng với EU. Được biết, vào ngày 12.5 tới, ông Trump sẽ quyết định liệu có phục hồi các lệnh cấm vận kinh tế lên Iran hay không – động thái có thể khởi đầu cho việc hủy bỏ thỏa thuận đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Vào hôm qua (25.4), trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Christopher Ford cho biết nước này không có ý định đàm phán lại, mở lại hoặc thay đổi điều khoản của Thỏa thuận hạt nhân Iran P5+1.
“Chúng tôi đang tìm kiếm một thỏa thuận bổ sung có nội dung sẽ giúp giải quyết những thách thức đặt ra một cách hiệu quả hơn", ông Ford nói.
Trong khi đó, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 25.4 khẳng định, thỏa thuận hạt nhân Iran không thể thương lượng lại và Đức vẫn giữ quan điểm rõ ràng rằng ưu tiên cao nhất của nước này là bảo vệ thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.