Trộm cả ngày lẫn đêm
Có mặt tại cửa biển Sào Lưới (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) để tìm hiểu về tình trạng ngư dân bị trộm ngư cụ xảy ra thời gian gần đây. Nhiều người vẫn còn xôn xao câu chuyện ngư dân đuổi bắt trộm ngư cụ ngay giữa ban ngày.
Clip ngư dân điêu đứng vì nạn trộm ngư cụ
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Nam (cửa biển Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc), cho biết: “Từ tháng 9.2017 đến nay tôi bị mất khoảng 300 cái lú bát quái, trị giá khoảng 30 triệu đồng. Riêng đợt mới đây, khi phát hiện bị trộm ngay ban ngày, chúng tôi đã đuổi theo quyết liệt nhưng không bắt được”.
Ốc mực và lú bát quái là những ngư cụ thường bị trộm nhất. (Ảnh: Chúc Ly).
Kể lại sự việc, ông Nam cho hay: “Vào một buổi trưa như thường ngày, sau khi kéo lú xong tôi cho ghe chạy vào bờ thì phát hiện bọn trộm đang rút lú. Lúc này, tôi chạy theo truy đuổi, bọn này manh động đến mức chúng quay đầu ghe tông thẳng vào ghe của tôi. Chúng tôi truy đuổi quyết liệt nhưng chúng chạy ghe công suất lớn nên nhanh chóng tẩu thoát”.
“Tổng cộng bên tôi có 5 chiếc ghe đuổi theo bọn trộm, còn bọn trộm có 2 chiếc, mỗi chiếc từ 7-10 người. Tổng cộng tôi mất khoảng 75 cái lú, trị giá gần 8 triệu đồng; hư hỏng máy, sửa chữa mất hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn 1 người bị thương ở tay do khi tiếp cận ghe của bọn trộm thì bị chém trúng tay, rất may vết thương không nặng” - ông Nam kể lại.
Cũng mới đây, vào cuối tháng 3.2018, ông Nguyễn Văn Giàu (cửa biển Vàm Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc) cũng phát hiện bị mất đến 5,5 thiên (1.000 con) ốc mực (một dụng cụ bắt mực - PV), trị giá khoảng 120 triệu đồng. Do mất số lượng lớn, không đủ để làm tiếp nên ông phải cho ghe vào bờ. Sau đó, vay mượn tiền để mua bù và cho ghe ra khơi lại.
Gia đình bà Kiều thường xuyên bị trộm lấy ốc mực. (Ảnh: Chúc Ly).
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Kiều (cửa biển Sào Lưới), cho hay: “Mới hồi cuối tháng giêng âm lịch năm nay gia đình tôi mất khoảng 5 thiên ốc mực. Trước đó thì cũng bị mất mỗi lần 1, 2 thiên, rồi vài trăm con ốc cũng có; nói chung thường xuyên bị mất trộm. Giá thị trường thì tôi mua 1 con ốc khoảng 25.000 đồng, đó là loại ốc trung bình, các loại khác dao động từ 15.000-35.000 đồng/con”.
“Nói chung ngư dân ở đây khổ lắm, cứ bị mất ốc mực hoài; mỗi lần vài thiên ốc thì số tiền rất lớn. Bây giờ nếu muốn tiếp tục làm nghề thì phải đi vay để mua thêm ốc” - bà Kiều ngao ngán nói.
Bỏ xứ đi làm công nhân vì bị trộm
Cũng theo bà Kiều, hiện nay tình trạng ngư dân bị mất trộm xảy ra như cơm bữa. Khi bị trộm, những người có điều kiện thì vay mượn, đắp vá để tiếp tục làm nghề; còn nhà nghèo thì đành phải bỏ nghề. Một số người bị mất trộm không còn công cụ để mưu sinh, phải đi Bình Dương làm công nhân.
Ông Trần Thanh Đoàn - Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, thông tin: Thời gian qua, sau khi người dân phản ánh, công an xã có đến lập biên bản và báo cáo về công an huyện. Hiện công an huyện cũng đang vào cuộc. Thời gian trước cũng có tình trạng này, sau đó công an huyện thành lập tổ đến triệu phá thì tình hình tạm lắng, thời gian gần đây mới phát sinh trở lại.
“Xã cũng thực hiện truyên truyền bằng mọi cách cho ngư dân cần bảo quản tài sản, trang thiết bị của mình. Đồng thời, trong quá trình đánh bắt cũng đảm bảo an toàn, quản lý chặt chẽ tài sản; khi phát hiện bị mất trộm thì báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng” - ông Đoàn thông tin thêm.
Theo báo cáo của UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, địa bàn xã có 4 ấp ven biển với khoảng 1.500 hộ sinh sống, chủ yếu đánh bắt gần bờ với tàu công suất nhỏ. Ngoài 2 vụ trộm của ông Trần Đình Nam và Nguyễn Văn Giàu (thiệt hại khoảng 128 triệu đồng), từ đầu năm đến nay đã xảy ra 10 vụ trộm cắp trên biển, chủ yếu bị trộm lú bát quái và ốc mực; tổng thiệt hại gần 356 triệu đồng.
Ngư dân tại xã Khánh Bình Tây Bắc điêu đứng về nạn trộm ngư cụ trên biển. (Ảnh: Chúc Ly).
Ngày 18.4, UBND huyện Trần Văn Thời đã có báo cáo về tình hình trộm cắp ngư lưới cụ trên biển thuộc địa bàn huyện. Qua điều tra xác minh, trên địa bàn huyện có 5 nhóm, 21 đối tượng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động trộm cắp ngư lưới cụ.
Hoạt động chủ yếu của nhóm là dùng phương tiện giả vờ đánh bắt trên biển để quan sát, nắm tình hình khu vực có thả ngư lưới cụ trên biển và tiến hành xác định tọa độ. Sau đó, những người này, dùng điện thoại gọi cho đồng bọn biết vị trí. Đến khoảng 19-20h thì dùng máy định vị đến khu vực đã xác định để thực hiện hành vi trộm cắp.
Hoặc bằng thủ đoạn dùng phương tiện công suất lớn chạy ra biển vào ban đêm với mục đích quan sát, xác định mục tiêu sau đó dùng neo rà lấy ngư lưới cụ. Đến khi có người cần mua ngư lưới cụ thì hai bên thỏa thuận giá cả và vị trí giao hàng trực tiếp trên biển.
Ngoài ra, qua điều tra, xác minh, hiện cơ quan chức năng huyện Trần Văn Thời còn phát hiện thêm 6 nhóm với 20 đối tượng trên địa bàn giáp ranh ở xã Khánh Hội, huyện U Minh nghi vấn hoạt động trộm cắp ngư lưới cụ trên vùng biển Trần Văn Thời.