Dịp nghỉ lễ kéo dài 4 ngày tới, chọn Sa Pa làm điểm dừng chân để khám phá, nghỉ ngơi và check-in là một ý tưởng tuyệt vời. Ghé thăm Sa Pa những ngày này, còn gì tuyệt vời hơn nữa khi thức giấc trong hương lúa vào đòng, tận hưởng bữa sáng cùng với ly cafe, ngắm nhìn thiên đường ruộng bậc thang hiện hữu ngay trước mặt.
1. Chuẩn bị hành lý
Trang phục: Bởi thời tiết Sa Pa khá lạnh vào sáng sớm và đêm nên bạn cần chuẩn bị áo khoác ấm. Ngoài ra, một đôi giày đế mềm để leo núi và ủng trong trường hợp trời mưa rất hữu ích. Bạn có thể mua trước bản đồ Sa Pa để nắm rõ lộ trình, tránh bị lạc đường và phân bổ thời gian hợp lý.
Do địa hình đặc thù và sản phẩm du lịch đặc trưng của Sa Pa là đi bộ để khám phá vẻ đẹp, cảnh quan nên du khách phải đi bộ rất nhiều. Vì vậy để cho đôi chân của mình thật sự thoải mái, bạn nên chuẩn bị 1 đôi giày bệt hoặc giày thể thao.
Giấy tờ tùy thân: Hầu hết tất cả các khách sạn ở Sa Pa đều yêu cầu khách thuê phòng trình giấy CMND để làm thủ tục đăng ký tạm trú (nếu bạn bị mất CMND thì có thể thay thế bằng: hộ chiếu, giấy phép lái xe). Ngoài ra, rất nhiều du khách du lịch Sa Pa có nhu cầu thuê xe máy dạo chơi. Vì thế nếu có nhu cầu thuê xe máy nên mang theo giấy phép lái xe để đảm bảo chuyến đi thực sự vui vẻ.
Bản Cát Cát là điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Sa Pa trong kì nghỉ lễ 30.4 - 1.5.
2. Phương tiện đi lại
Tàu hỏa: Vé khứ hồi bán tại ga Hà Nội, giá khoảng 135.000 - 600.000 đồng/ người/ lượt, tùy thuộc là ghế, giường cứng hay mềm, điều hòa hay không, toa 4 hay 6 giường. Tàu khách thường đi buổi tối, khởi hành vào 19h40, 20h35, 21h10 và 21h50, mất khoảng 8 tiếng đến ga Lào Cai. Từ đây, bạn đi xe khách khoảng một giờ đến thị trấn Sapa với giá vé 50.000 đồng/ lượt.
Ôtô: Từ các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát, Lương Yên đều có xe giường nằm đi 8-9 tiếng đến Lào Cai, với các chuyến ngày và đêm. Giá khoảng 200.000 – 280.000 đồng/ vé/ chiều.
Xe máy: Nếu chọn đi xe máy, bạn có thể chọn một trong hai cách sau:
- Lộ trình 1 qua Lào Cai: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phong Châu – Đoan Hùng – Yên Bái – Lào Cai – Sa Pa (Tổng đường khoảng 360 km)
- Lộ trình 2 qua Lai Châu: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Thanh Sơn – Dọc QL32 – Sa Pa (Tổng đường hơn 420 km)
Di chuyển tại Sa Pa: Ngoài các điểm du lịch ở trung tâm thị trấn có thể đi bộ, còn lại bạn nên thuê xe máy để tiện khám phá. Giá thuê xe khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng/ ngày (xăng tự đổ).
Cầu Mây điểm đến rất được yêu thích của nhiều du khách khi đến Sa Pa.
3. Dịch vụ lưu trú
Hệ thống lưu trú của Sa Pa được chia ra làm 3 khu: khu gần hồ, khu Cầu Mây - Mường Hoa và khu trung tâm thị trấn. Trong số đó đẹp nhất là những khách sạn ở khu Cầu Mây - Mường Hoa. Hầu hết các khách sạn ở khu vực này đều có tầm nhìn rất đẹp với đồi núi và đặc biệt là đỉnh Fansipan. Với giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ phòng/đêm.
Đối với những du khách thích phượt 100% để có thể trải nghiệm và khám phá không gian văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số sinh sống ở nơi đây thì nên lựa chọn dịch vụ ngủ bản homestay. Đây sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời khiến bạn không thể quên và cũng là hình thức tiết kiệm nhất chi phí của chuyến đi, với giá chỉ từ 70.000 - 100.000 đồng/ người/ đêm.
Trải nghiệm ở homestay ngắm toàn cảnh thung lũng ruộng bậc thang ngút ngàn.
4. Chỗ chơi
Đỉnh Fansipan: Đỉnh núi này quá nổi tiếng rồi nhưng nếu đi bộ thì mất vài ngày mới lên tới đỉnh. Do đó, bạn có thể đi cáp treo với cáp to rộng và dài nên rất an toàn. Từ trên cáp, bạn cũng thoải mái ngắm nhìn hệ sinh thái gồm nhiều loài vật và các giống gỗ quý. Bạn cũng đừng quên check-in với cột mốc tọa độ khi lên đến đỉnh.
Núi Hàm Rồng: Ngọn núi nằm ngay trung tâm có view trên đỉnh nhìn được toàn cảnh và có sương mù lẫn mây trắng vây quanh. Lên tới đỉnh, bạn sẽ thấy thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn và cảm giác như trong phim kiếm hiệp khi mây trắng thi nhau vây quanh.
Thác Bạc: Con đường dài 12km lên ngắm thác cao và dài này rất hợp với dân thích trekking. Thác sẽ rút nước vào mùa xuân nên muốn có view đẹp thì nên tránh mùa này.
Bản Cát Cát: Bản lâu đời của người H’Mông với dịch vụ hóa thân thành người dân tộc với trang phục cho thuê. Bản còn lưu giữ nghề trồng bông dệt vải truyền thống rất thu hút du khách.
Bản Tả Vạn: Đường lên bản rất đẹp và nên thơ. Đặc biệt, dọc đường còn bán lê cực ngon ngọt. Dù không nổi tiếng như Bản Cát Cát nhưng cũng là nơi đáng để tham quan.
Bản Tả Phìn: Đây cũng là một bản có làng nghề truyền thống, đó là nghề thổ cẩm của người Dao Đỏ. Đặc biệt, ở bản có một hang động rất đẹp với nhiều nhũ đá tạo nhiều hình thù đặc sắc như tiên múa, tiên ngồi, cánh đồng, rừng cây…
Trong thị trấn: Hồ Sa Pa, nhà thờ đá, chợ đêm... là những điểm du lịch không thể bỏ qua khi thăm thị trấn Sa Pa.
Sa Pa là một trong những “địa điểm vàng” được rất nhiều bạn trẻ ưa thích khi lựa chọn làm điểm du lịch trong kỳ nghỉ 30.4- 1.5.
5. Ăn uống
Là xứ lạnh, đặc sản nổi nhất của Sa Pa là các loại rau đặc trưng vùng ôn đới như súp lơ trắng, hoa lơ xanh, củ cải đỏ, su su… Món rau đặc biệt nhất là ngồng, tức là phần thân đã đâm hoa của những cây rau già. Có nhiều loại ngồng: ngồng tỏi, ngồng cải, ngồng su hào, ngồng su su… xào với tỏi hoặc các loại thịt khác nhau là ngon nhất chứ không nên ăn ngồng luộc. Ngoài ra, khách du lịch vẫn đồn nhau rằng ăn su su luộc ngay tại Sa Pa mới là ngon nhất.
Sa Pa nổi tiếng với món thịt “lợn cắp nách”. Thịt “lợn cắp nách” nhâm nhi với rượu táo mèo, nhậu xuyên đêm chưa chán. Ngoài ra ở mỗi một chợ lại có một món ăn đặc trưng riêng.
Sa Pa còn nổi tiếng với các món chế biến từ cá hồi, cá tầm, gà đen....Bạn cũng đừng bỏ qua cơm lam, thắng cố, rượu táo mèo, rượu ngô Bản Phố... khi đến đây.
Khu chợ ẩm thực Sa Pa, các nhà hàng trên phố Xuân Viên, Cầu Mây, Thác Bạc... là nơi bạn có thể ghé lại để chọn cho mình các món đặc sản cho bữa trưa và tối.