Dân Việt

Điều tiếc nuối nhất của Tướng Phạm Xuân Thệ

Bách Thuận 29/04/2018 07:00 GMT+7
"Điều tiếc nuối nhất của tôi là trong các trận đánh, với vai trò là cán bộ chỉ huy mình còn nhiều khiếm khuyết, để cho đồng chí đồng đội hy sinh nhiều quá" - Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1; người đã dẫn độ Tổng thống Dương Văn Minh, từ Dinh Độc lập tới Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện - chia sẻ với phóng viên Dân Việt.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời cũng như trong con đường binh nghiệp, khi về hưu sinh sống sum vầy cùng gia đình và con cháu, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - người đã dẫn độ Tổng thống cuối cùng của Chế độ Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh, từ Dinh Độc lập tới Đài phát thanh Sài Gòn (tên gọi TP.HCM thời bấy giờ) để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện - mỗi lần trò chuyện về những ngày cuối tháng 4.1975 lịch sử, ông luôn có một cảm xúc khó tả.

Với ông, những ký ức ùa về như việc mới xảy ra ngày hôm qua.

- Ngày 30.4.1975 là kết quả của chiến dịch Mùa xuân năm 1975 với chiến thắng oanh liệt trước sự quyết tâm, ý chí chiến đấu sắt đá cùng sự  đồng lòng của quân và dân ta. Trung tướng có thể kể lại những giây phút lịch sử của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đầy oai hùng của quân đội ta?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Đêm trước ngày 30.4 lịch sử, chúng tôi đang chiến đấu tại một căn cứ cách Sài Gòn khoảng 40km.

Lúc này được Ban Chỉ huy trung đoàn và Bộ Tư lệnh Sư đoàn (lúc đó Sư đoàn gọi là Bộ Tư lệnh) giao nhiệm vụ cho đi đầu đội hình để chỉ huy lực lượng của Trung đoàn 66, đi cùng Lữ đoàn xe tăng tiến về hướng Sài Gòn. Mục tiêu là vào nội đô thành phố Sài Gòn để chiếm giữ Dinh độc lập, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh Hải quân.

Bản thân mình lúc đó cũng không biết nội các của chính quyền Sài Gòn còn ở trong Dinh Độc lập. Mục đích là địch ở trong đó nếu chống cự thì triển khai đội hình chiến đấu, họ không chống cự thì vào chiếm lại và cắm cờ lên nóc dinh.

Về diễn biến trận đánh, từ cầu Thị Nghè về đến Dinh Độc lập, ở đường nhân dân chưa có ai ra, chỉ có xe của quân Giải phóng ầm ầm đi vào. Khi chiếc xe tăng đầu tiên mở được cánh cổng ra, trong khoảnh khắc khoảng 10, 15 phút, tất cả các loại xe cộ cũng như nhân dân, bộ đội, chiến sĩ của chúng ta ào vào.

img

Trung tướng Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội dẫn độ Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướngtướng Vũ Văn Mẫu tới Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Lúc tôi bước xuống khỏi xe Jeep, các nhà báo ở đó rất đông, họ chỉ cho chúng tôi lên trên chỗ nội các chính quyền Sài Gòn đang chờ.

Gặp nội các địch với tư thế sẵn sàng chiến đấu, người đầu tiên tôi gặp là ông Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Ông này cho biết toàn bộ nội các chính quyền của ông Minh đang trong phòng họp, “mời cấp chỉ huy vào làm việc”.

Lúc này tôi mới biết là nội các địch còn ở đây, tâm trạng bất ngờ, cũng thoáng chút lo lắng. Trong phòng họp rất rộng đó có khoảng 40 đến 50 người ngồi. Tổng thống Dương Văn Minh bước ra và nói “Chúng tôi biết quân Giải phóng tiến công vào nội đô, đang chờ quân Giải phóng vào bàn giao”.

Lúc này thì tôi không nghĩ đến chuyện bàn giao như thế nào, chỉ nói là “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả”.

Trong khi đó, ở phía bên ngoài, tiếng súng nổ rất dữ dội, nhưng thực tế đó là âm thanh mừng chiến thắng của nhân dân và chiến sĩ. Khi được yêu cầu ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, Dương Văn Minh lo sợ vì ở ngoài đường phố vẫn đang tiếp tục chiến đấu, tiếng súng đạn vẫn đang nổ đùng đùng, ra không đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, khi được chúng tôi đảm bảo an toàn, chính Dương Văn Minh là người chỉ đường dẫn tới đài phát thanh.

Tại đó, chúng tôi đã ngồi thảo bản tuyên bố đầu hàng. Quá trình thảo, đọc và ghi âm lại bản thảo diễn ra khoảng 40 đến 50 phút.

img

Thời điểm ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, chiếc máy ghi âm của bộ đội ta bị rối băng nên đã nhờ một nhà báo Tây Đức có mặt tại thời điểm đó ghi âm. Trong ảnh là Tổng thống Dương Văn Minh (áo đen, ngồi giữa) tại Đài phát thanh Sài Gòn tại thời điểm ghi âm lời tuyên bố đầu hàng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong quá trình ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, máy ghi âm của chúng ta (thu được trong một trận chiến ở Đà Nẵng) bị hỏng do rối băng nên phải nhờ một máy ghi âm của một nhà báo nước ngoài có mặt tại thời điểm đó để ghi.

Sau khi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được phát đi và đại diện quân Giải phóng của chúng ta đọc lời chấp nhận lời đầu hàng, chúng tôi tiếp tục đưa Dương Văn Minh về Dinh Độc lập để chờ cấp trên vào bàn giao.

Có một tình tiết khiến tôi nhớ mãi và lúc đó vô cùng hoảng sợ. Đó là khi một cán bộ cấp cao của quân đội ta vào Dinh Độc lập thì không thấy Dương Văn Minh đâu nên rất lo lắng, sau khi biết tôi đưa ông Minh đi tuyên bố đầu hàng, vị cán bộ đã mắng tôi rất gay gắt và nói tôi vi phạm vì đã tự ý dẫn Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đi.

Suốt cả đêm hôm đó, tôi đã trằn trọc, lo lắng vì nghĩ đã làm sai điều gì.

- Bản thảo văn kiện đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc Trung tướng viết trong hoàn cảnh nào? Thời điểm đó Trung tướng có nghĩ gì nếu Dương Văn Minh không đọc bản thảo đầu hàng vô điều kiện?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Thực ra về bản thảo này thì hơn 40 năm qua vẫn còn chưa ngã ngũ. Bản thảo này tôi là người chắp bút, anh em thì mỗi người thêm một câu để hoàn thiện, xong viết lại rồi đưa cho Dương Văn Minh đọc.

img

Tướng Thệ cho biết, bản thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện cho Dương Văn Minh được ông và các đồng đội thực hiện ngay tại Đài phát thanh vào thời điểm dẫn độ vị Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Chữ tôi viết thì Dương Văn Minh không đọc được nên anh em viết lại một bản khác. Hai bản thảo đó tôi đút ở túi áo ngực và đã bị thất lạc sau này. Chính trong một bức ảnh chụp thời điểm đó có ghi lại được hình ảnh tôi cầm tờ bản thảo này.

Tại đài phát thanh lúc đó, Trung tá Bùi Tùng (Chính ủy Lữ đoàn 203) mới đến, lúc thấy chúng tôi đang soạn bản thảo thì ông có hỏi tôi là ai. Tôi trả lời và cho biết anh em đang soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, “anh cùng chúng tôi tiếp tục hoàn thiện bản thảo này để đưa cho Dương Văn Minh”.

Thế là mỗi người một khâu, hoàn thiện xong thì chính ông Bùi Tùng là người thay mặt quân Giải phóng đọc lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Bản thảo chính được viết vào tờ giấy pelure, màu hơi xanh xanh.

Về việc Dương Văn Minh không đọc bản thảo đầu hàng vô điều kiện là điều không thể xảy ra, vì chính toàn bộ nội các của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã ngồi trong Dinh Độc lập với tâm lý sẵn sàng đầu hàng khi quân Giải phóng tiến vào.

- Hàng năm, cứ đến ngày 30.4, với cá nhân Trung tướng, những ký ức của ngày lịch sử đọng lại trong ông với cảm xúc như thế nào?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Bản thân tôi tham gia cuộc chiến và may mắn được chứng kiến thời khắc lịch sử thì rất xúc động.

Vui là mình may mắn sống sót, nhưng những ngày này nhớ các đồng chí, đồng đội rất nhiều. Số anh em hy sinh, gia đình thiệt thòi, anh em thiệt thòi. Số hài cốt liệt sĩ còn hơn 300 nghìn người chưa tìm được. Người tìm được hài cốt vào nghĩa trang thì trên 200 nghìn người không có danh tính. Điều này khiến tôi vẫn đau đáu đến tận bây giờ.

- Ở thời điểm hiện tại, ông thấy còn điều gì nuối tiếc không?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Trong chiến đấu của mình có nhiều kỉ niệm nhưng cũng có nhiều tiếc nuối.

img

Trong suốt buổi trò chuyện, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhiều lần thể hiện niềm tiếc nuối và chính ông cũng chia sẻ, ông rất đau đớn khi hàng nghìn đồng chí, đồng đội hy sinh nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt, danh tính. 

Điều tiếc nuối nhất của tôi là trong các trận đánh, với vai trò là cán bộ chỉ huy mình còn nhiều khiếm khuyết, để cho đồng chí đồng đôi hy sinh nhiều quá. Nếu như trong mỗi trận đánh, người chỉ huy nghiên cứu cặn kẽ về bố phòng, hỏa lực của địch, có chiến thuật, cách đánh phù hợp thì giảm bớt được thương vong.

Tôi trăn trở trong chiến đấu vẫn để đồng chí đồng đội hy sinh nhiều. Một điều nữa vẫn khiến tôi chưa phút giây nào thôi nung nấu là hiện nay đồng chí hy sinh, theo thống kê, còn hơn 300 nghìn liệt sĩ chưa lấy được hài cốt, trên 200 nghìn liệt sĩ lấy được hài cốt nhưng không có danh tính.

Bây giờ mình thấy có tội, tội chứ. Tội vì bố mẹ sinh ra mọi người có tên, có tuổi; khi bước chân vào quân ngũ đều phải từ một ngôi làng quê cụ thể, thế mà trong chiến đấu, khi đồng đội ngã xuống, bây giờ vẻn vẹn trên bia mộ là dòng chữ liệt sĩ chưa biết tên.

Trong một lần vào lại chiến trường Thượng Đức, tôi phải sụp xuống và ghi ở đấy rằng “Hôm nay chúng tôi trở lại chiến trường Thượng Đức không phải là thăm lại chiến trường xưa, mà vào tạ tội với các đồng chí, đồng đội của mình vì trong chiến đấu, người chỉ huy chưa tốt để đồng chí đồng đội hy sinh”.

- Với thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay và mai sau, Trung tướng có gửi gắm, nhắn nhủ những gì?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Thế hệ thanh niên bây giờ, hiện tại, sau này và mãi mãi là những người công dân của đất nước Việt Nam này, đã được thừa hưởng một nền độc lập, tự do là thành quả của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Để giữ mãi một sức mạnh tổng hợp, thế hệ thanh niên cần làm 3 việc: Một là kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, giữ nước của các thế hệ cha ông và vận dụng vào cuộc sống hiện nay.

Hai là tiếp tục học tập, trau dồi phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, kiến thức về khoa học. Thứ 3 là trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ và những điều tốt đẹp của các thế hệ ông cha, của lịch sử dân tộc. Kết hợp được 3 yếu tố này thì dân tộc chúng ta, đất nước của chúng ta sẽ trường tồn.

Xin cảm ơn Trung tướng!