Dân Việt

Vì sao Bầu Thắng chọn Đồng Tâm, chia tay KienLongBank?

Nguyễn Ngân 29/04/2018 08:42 GMT+7
Nếu được ví von thì Đồng Tâm là “con đẻ” đối với ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng), còn KienLongBank quá lắm cũng chỉ được là một đứa “con nuôi”, chí ít là theo cách mà ông đối xử với 2 đội bóng: Đồng Tâm Long An và Kienlongbank Kiên Giang. Vậy nên, Bầu Thắng chọn ở lại Đồng Tâm, chia tay KienLongBank cũng không có gì bất ngờ.

img

Võ Quốc Thắng quyết định chia tay KienLongBank (Ảnh: IT)

Mới đây, ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đồng Tâm và là Chủ tịch HĐQT KienLongBank đã chọn ở lại Đồng Tâm, rời ghế chủ tịch ngân hàng.

Quyết định rời ghế chủ tịch HĐQT KienLongBank để tuân theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15.1.2018, Bầu Thắng sẽ không còn được ngồi cùng lúc “ghế nóng” tại KienLongBank và CTCP Đồng Tâm.

Quyết định lựa chọn ghế chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đồng Tâm cũng có lý do của Bầu Thắng. Tại Đồng Tâm, Bầu Thắng có lưu tình từ thuở hàn vi. Ông đến với Đồng Tâm từ năm 1993 khi đó còn có tên là Công ty TNHH SX-XD-TM Đồng Tâm cho đến ngày hôm nay.

Trong 24 năm qua, Bầu Thắng đã kinh qua chức vụ Chủ tịch tại hàng loạt doanh nghiệp như: Công ty Liên doanh Gạch men Đồng Tâm, CTCP Đồng Tâm Miền Bắc, CTCP Đồng Tâm Miền Trung, CTCP Khu công nghiệp Long An, CTCP Cảng Long An, CTCP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Thể thao Đồng Tâm.

Khi gia nhập KienLongBank (tháng 4.2013), “Võ Quốc Thắng” đã trở thành một cái tên lừng lẫy.

Còn xét về phương diện ràng buộc lợi ích thì ở Đồng Tâm, Bầu Thắng quyền lực là vậy, còn ở KienLongBank dù có ngồi ghế chủ tịch HĐQT nhưng ông không nắm một cổ phần nào của ngân hàng này. Nhưng nói thế không có nghĩa là vị trí tư lệnh tối cao tại Kienlongbank của vị doanh nhân này là “hữu danh vô thực”, bởi, con trai ông, cổ đông Võ Quốc Lợi, hiện nắm tới hơn 14 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ sở hữu 4,68% KienLongBank (cập nhật đến 30.6.2014).

Còn tại Đồng Tâm, theo các tài liệu công bố gần nhất, hiện Bầu Thắng đang sở hữu tới 47,38% cổ. Anh trai ông Thắng là ông Võ Văn Khuyến nắm giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT với tỷ lệ cổ phần 14,52%. Ngoài ra, liên quan đến ông Thắng, ông Khuyến còn có 7 cổ đông khác là vợ, anh chị em và con ruột của hai ông.

Hay xét ở góc độ hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng nói lên nhiều điều. Đồng Tâm hiện vốn điều lệ là 680 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận qua các năm: năm 2014 là 248,6 tỷ đồng, năm 2015 là 172,5 tỷ đồng, năm 2016 là 159,9 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2017 đạt 38,8 tỷ đồng.

Còn tại KienLongBank, từ ngày Bầu Thắng giữ chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 25.4.2013 đến nay lợi nhuận ngày càng "teo tóp". Với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả kinh doanh thì xngayf càng giảm: năm 2013 là 313 tỷ đồng, năm 2014 là 176 tỷ đồng, năm 2015 là 165 tỷ đồng, năm 2016 là 121 tỷ đồng, năm 2017 là 252 tỷ đồng.

img

Khách hàng đang giao dịch tại KienLongBank (Ảnh: IT)

Thành lập vào năm 1995 tại Kiên Giang, KienLongBank ban đầu có tên gọi Ngân hàng TMCP Nông thôn Kiên Long, vốn điều lệ là 1,2 tỷ đồng và số nhân sự tổng cộng 10 người. Năm 2006, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Kiên Long qua việc chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên thành thị. Cũng như các ngân hàng nông thôn lên thành thị khác, KienLongBank có cuộc chuyển đổi mạnh về vốn vào năm 2010, từ mức 1.000 tỷ đồng trước đó lên 3.000 tỷ đồng, bằng mức vốn pháp định tối thiểu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Song từ đó tới nay, đã qua nhiều năm, khi các ngân hàng khác lần lượt tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, 10.000 tỷ đồng và hơn thế thì KienLongBank vẫn là một trong số ít các ngân hàng chưa tăng thêm được đồng vốn nào. Mặt khác, KienLongBank còn đang khá chậm trễ trong hoạt động so với các ngân hàng khác, nhất là trong thời điểm ngành ngân hàng đang thăng hoa.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của ngân hàng này vẫn được đánh giá là thấp dưới thị giá, thanh khoản kém. Niêm yết trên sàn UpCom, hiện cổ phiếu KLB đang đứng giá 12.400 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 27.4).

Có thể thấy, xét vào ràng buộc lợi ích và lịch sử quan hệ, cho dù cùng nắm ghế Chủ tịch tại cả hai doanh nghiệp nhưng đối với Bầu Thắng, Đồng Tâm và KienLongBank, ắt phải có nặng – nhẹ, vơi – đầy. Nếu được ví von, Đồng Tâm cũng được coi là doanh nghiệp "con đẻ" mà ông Thắng gắn bó nhiều năm qua. Còn đối với KienLongBank quá lắm cũng chỉ được ví như là một đứa “con nuôi”, chí ít là theo cách mà Bầu Thắng đối xử với 2 đội bóng gắn tên 2 thương hiệu: Đồng Tâm Long An và Kienlongbank Kiên Giang. Vậy nên, việc Bầu Thắng chọn Đồng Tâm, chia tay KienLongBank cũng không có gì bất ngờ.