Dân Việt

Bi đát bóng đá Việt Nam: Tiền tăng, tài giảm

27/11/2011 13:09 GMT+7
(Dân Việt) - Các cầu thủ U23 bây giờ, ngoài Thành Lương, Văn Quyết được ra sân thường xuyên thì các cầu thủ còn lại phần nhiều là ngồi chơi chờ "các anh Tây" đau chân thì mới có cơ hội vào sân.

Có mơ chúng ta cũng không thể nào có được những Tài Em, Minh Phương, Thanh Bình… của những năm trước, lứa cầu thủ mà chỉ có thế hệ của họ mới dám nói câu: "Đối thủ lớn nhất chính là bản thân mình".

img
 

Chuyện gì đã xảy ra khi hàng núi tiền của các ông bầu rót vào bóng đá với mục tiêu "Phát triển nền bóng đá Việt Nam", nhưng các cầu thủ U23 lại ngày càng rúm ró và thảm hại khi ra đấu trường nhỏ bé SEA Games? Có mâu thuẫn gì giữa việc phát triển V. League và chất lượng các cầu thủ trẻ? Sau SEA Games vừa rồi thì không khó để nhận ra, V. League phát triển quá nhanh trên cái nền xập xệ của bóng đá Việt, điều này gây hại khôn cùng.

Lứa cầu thủ Văn Quyến, Quốc Vượng, Tài Em, Minh Phương... trước, trong và sau những lần tập trung đội tuyển đều là những cầu thủ quan trọng và được ra sân thường xuyên ở các CLB. Kinh nghiệm, bản lĩnh được trui rèn liên tục và các cầu thủ khi đối đầu với nhau ở tư cách "địch thủ" cấp CLB, họ sẽ chịu khó hiểu nhau hơn, biết điểm mạnh điểm yếu của nhau để khi sát cánh dưới màu cờ sắc áo, họ đã có sẵn độ kết dính cần thiết.

Các cầu thủ U23 bây giờ, ngoài Thành Lương, Văn Quyết được ra sân thường xuyên thì các cầu thủ còn lại phần nhiều là ngồi chơi chờ "các anh Tây" đau chân thì mới có cơ hội vào sân. Ngay cả giải hạng Nhất cũng trong tình trạng tương tự, các cầu thủ trẻ hầu như không được tạo điều kiện để hoàn thiện mình và tích lũy kinh nghiệm trận mạc. Việc U23 VN không thể tìm được một tiền đạo cắm như trong SEA Games vừa rồi là một minh chứng.

Quả thật nếu không có một tài năng kiệt xuất thì các tiền đạo trẻ không bao giờ có thể cạnh tranh nổi với "các anh Tây" cao to khỏe mạnh lại có giá cả hợp lý.

Thật buồn cười là càng đầu tư tiền cho bóng đá Việt Nam thì các nhân tài trẻ lại càng vắng bóng.