Trước đây, rơm thường là thứ bỏ đi, nông dân ở vùng “rốn lũ” huyện Tuy Phước (Bình Định) phải đốt đồng sau mỗi vụ thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, hiện tại nhu cầu dùng rơm phục vụ chăn nuôi, trồng trọt khá lớn nên mặt hàng này đang sốt giá.
Nông dân tại tỉnh Bình Định chuẩn bị đầy đủ những phương tiện, máy móc để cơ giới hóa mùa vụ, tận thu tất cả mọi thứ trên cánh đồng.
Nông dân Nguyễn Đức Ngã (50 tuổi, trú xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), cho biết: “Những năm trước, chúng tôi chỉ gom rơm số ít cho bò, còn lại đốt hết cả đồng. Nhưng năm nay, rơm lại đang khan hiếm, có những cánh đồng thời điểm người ta phải tranh giành nhau để mua. Thương lái ở Tây Nguyên cũng kéo nhau về, mua rơm để trồng nấm, nuôi gia súc, làm phân bón. Sau khi thu hoạch xong, nông dân bán rơm cũng kiếm thêm cả bạc triệu”.
Theo nhiều nông dân ở huyện Tuy Phước, trước đây, họ gặt lúa về nhà mới đập/thổi lúa bằng máy chuyên dụng, lúc đó bà con nông dân phải thu gom rơm bằng thủ công để phơi, rất tốn thời gian.
Nhưng từ khi có máy gặt đập liên hợp, rơm được thả ra từ máy sau khi được gặt đập sẽ nằm rải rác trên bề mặt ruộng lúa. Máy cuốn rơm giúp bà con dễ dàng thu gom, rồi cuốn thành từng bó tròn rất gọn và đẹp mắt.
Nhờ máy cuốn rơm mà nông dân đỡ tốn công trong việc thu gom rơm.
“Mỗi bó rơm sau khi được phơi thải, cuốn gói có giá 22.000- 25.000 đồng/bó. Người dân có thể bán theo bó hoặc đo đạc bán theo từng khoảng ruộng. Cách đây khoảng 3-4 năm, rơm rẻ như cho, không có giá trị nhưng hôm nay có thể mang lại bạc triệu rồi. Thương lái ở Tây Nguyên sẽ đem máy móc, phương tiện đến tận ruộng để thu hoạch rơm”, ông Nguyễn Kim Thiền (46 tuổi), thương lái mua rơm tại xã Phước Sơn cho hay.
Dùng máy cuốn nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc để cuốn rơm giữa đồng.
Nông dân thường bán rơm tại chân ruộng, kiếm thêm thu nhập thay vì đốt bỏ như trước đây. Rơm bây giờ không chỉ có làm nấm rơm như trước mà được tận dụng làm rất nhiều thứ từ chăn nuôi đến ủ gốc cây, lót trái cây nên rất đắt hàng.