Nối nghề truyền thống
Chúng tôi tìm về xã An Tường (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nơi nổi tiếng với làng nghề mộc truyền thống đã 100 năm, tìm gặp nghệ nhân Phùng Văn Vàng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà ba gian, với đồ đạc hầu hết là sản phẩm của gia đình, ông tự hào khoe với chúng tôi những tấm giấy khen, giấy chứng nhận nghệ nhân của ông và người con trai – anh Phùng Văn Hợi.
Nghệ nhân Phùng Văn Vàng thực hiện những nét trổ cuối cùng của sản phẩm mộc cửa đình. |
Sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm mộc, ngay từ nhỏ, nghề mộc dường như đã ngấm vào máu Phùng Văn Vàng. Năm 4 tuổi ông bắt đầu làm quen với nghề và theo cha rong ruổi khắp nơi làm nghề, học hỏi những cái hay, cái đẹp của các làng nghề mộc trong cả nước.
Năm 1985, những sản phẩm của ông lần đầu tiên tham dự triển lãm làng nghề của tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ), được đánh giá cao. Đây được coi là động lực khuyến khích ông và gia đình tiếp tục theo đuổi nghề truyền thống của gia đình, của làng An Tường. Năm 2011 là năm nhiều thành công với ông và gia đình, lần lượt được UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân.
Theo bước cha ông, Phùng Văn Hợi cũng học nghề từ bé. Sinh năm 1980, năm 13 tuổi Hợi bắt đầu học nghề mộc. Dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của người cha, tay nghề của Hợi nhanh chóng được biết đến, không thua kém các bậc tiền bối của làng nghề An Tường.
Năm 2010, tại Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế AgroViet, Phùng Văn Hợi đã mạnh dạn đưa những sản phẩm của mình giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế. Không chỉ làm đồ mộc thông thường, nghệ nhân Hợi còn làm các tác phẩm nhà gỗ, cửa đình và các án thờ tinh xảo…
Đây là triển lãm đầu tiên anh tham gia nhưng đã được công nhận là nghệ nhân có nhiều đóng góp với nghề truyền thống. Năm 2011, cùng với cha là nghệ nhân Phùng Văn Vàng, anh được phong danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt Nam - một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất tỉnh Vĩnh Phúc.
Cái tâm nghệ nhân
Hai cha con, hai thế hệ khác nhau nhưng gặp nhau ở niềm đam mê và tâm huyết với nghề. Cả hai đều không qua một trường đào tạo nghề nào, nhưng tay nghề của họ đã đạt mức tinh xảo, bởi khả năng tự học và được rèn luyện nhiều. Không chỉ làm sản phẩm theo khuôn mẫu, nghệ nhân Phùng Văn Vàng và Phùng Văn Hợi còn thiết kế từ bàn ghế, đồ mộc cao cấp đến các công trình đình chùa, nhà cửa.
Anh Hợi chia sẻ: “Hầu hết các mẫu bây giờ đều do mình thiết kế, học hỏi từ những mẫu truyền thống, đúc kết kinh nghiệm. Sau đó lại tìm tòi và tiếp thu các mẫu mới để sáng tạo nên những sản phẩm của riêng mình”.
Hai cha con mở xưởng làm việc tại nhà. Song vì tay nghề được nhiều người biết đến nên họ đã có không ít những chuyến đi Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên… theo những lời mời làm nhà cửa, đình chùa. Ông Hợi tâm sự: “Với mình, sau khi làm xong cho người ta cái nhà, họ ưng ý là mình vui, xem đó là cái đáng tự hào”.
Dù mới ở tuổi 50, song nghệ nhân Phùng Văn Vàng mong muốn trong thời gian tới sẽ mở lớp dạy nghề để truyền nghề một cách bài bản cho lớp thợ sau này. Ông bày tỏ: “Mong muốn mở lớp dạy nghề của tôi, trước là để cho kỹ thuật làm mộc của gia đình được phổ biến, góp chút công sức nhỏ bé vào sự phát triển của làng nghề, sau cũng muốn để lại cái danh cho con cháu lấy đó mà tự hào về truyền thống của gia đình”.
Thu Hường