Lồng nuôi cá dày đặc
Vào trung tuần tháng 11, chúng tôi có mặt ở Nghi Sơn, sau khi Chi cục Thú y Thanh Hóa công bố kết luận trên. Mặt vịnh lúc này vẫn ken dày những lồng nuôi cá. Trên đó, người nuôi còn làm lều lán ăn ở, sinh hoạt để trông coi cá. Các chất thải sinh hoạt của con người, cùng thức ăn dư thừa từ các lồng cá cứ vô tư xả xuống biển.
Ô nhiễm vịnh Nghi Sơn là do nuôi cá lồng vượt quy hoạch. |
Theo báo cáo của địa phương, khu vực vịnh Nghi Sơn hiện có 1.800 hộ dân sinh sống, với 8.000 người, trong đó có 86 hộ sống bằng nghề nuôi cá lồng, với tổng số 608 ô lồng. Nghề nuôi cá lồng ở đây có từ năm 1991, ban đầu chỉ có 6 hộ nuôi, năm 2009 tăng lên 72 hộ và đến năm 2011 có 86 hộ với tổng số 608 lồng nuôi. Trong khi, theo quy hoạch phát triển thuỷ sản của tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt năm 2008, thì vịnh Nghi Sơn chỉ được phát triển tối đa 250 lồng.
Chính việc tăng thêm số lượng lồng nuôi một cách ồ ạt, với mật số dày đặc này đã làm cho môi trường nước vịnh bị nhiễm bẩn. Hơn nữa, xung quanh bờ vịnh người dân sinh sống và họp chợ ngay trên mặt nước, mỗi ngày thải ra đủ các loại rác thải, túi nylon, nước bẩn xuống vịnh, làm mặt nước ô nhiễm nặng, khiến dịch bệnh bùng phát trên đàn cá nuôi.
Nhưng có một thực tế nữa, dù dịch bệnh gây chết cá là do chính người nuôi không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, vệ sinh lồng không được đảm bảo, làm cho môi trường nước bị ô nhiễm, nhưng những chủ lồng cá vẫn không thừa nhận mà cho rằng nước thải từ cảng Nghi Sơn làm chết cá của họ.
Được biết, vài năm trước cá nuôi ở đây cũng bị chết nhiều, đúng vào thời điểm Công ty Xi măng Nghi Sơn thực hiện duy tu nạo vét cảng chuyên dùng Nghi Sơn. Người dân đã làm đơn kiến nghị rằng, việc nạo vét cảng đã làm sục bùn và các chất độc thải ra khiến cá bị chết.
Ở thời điểm đó, Phòng Thí nghiệm hóa - lý nghiệp vụ và phân tích môi trường (thuộc Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ - Bộ Công an) đã lấy 6 mẫu nước tại khu nạo vét cầu cảng để xét nghiệm, nhưng cả 6 mẫu đều cho kết quả ở mức tiêu chuẩn cho phép.
Cá bị bệnh vì ô nhiễm
Đến nay, dù kết luận của cơ quan thú y đã được đưa ra, nhưng khi chúng tôi hỏi, nhiều người nuôi cá vẫn bảo là chưa nhận được hồi âm. Nông dân Lê Khắc Quang, thôn Bắc Sơn, xã Nghi Sơn còn khăng khăng rằng: Cá chết nhiều quá đi kêu nhưng không ai quan tâm. Chỉ mong được sự hỗ trợ để giúp vượt qua thiệt hại và ổn định sản xuất.
Về điều này, ông Nguyễn Ngọc Thương - Bí thư Đảng uỷ xã Nghi Sơn khẳng định: "Cá chết là do mật độ các lồng nuôi dày đặc, vượt mức quy định của tỉnh, và do nước thải sinh hoạt của 8.000 người dân sinh sống trên vịnh, cùng với việc tàu thuyền ra vào nhiều, làm môi trường ô nhiễm nặng, khiến dịch bệnh phát triển trên cá nuôi".
Trao đổi với ông Cao Thanh Thọ - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NNPTNT Thanh Hóa), ông cho biết: Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với Cục Thú y và Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương đã phân tích mẫu nước, mẫu cá chết và văn bản kết luận đã rõ ràng: Cá giò bị nhiễm một loại virus làm hoại tử thần kinh, cá hồng mỹ bị nhiễm loại vi trùng vibrio, còn cá mú thì bị sán lá đơn chủ. Như vậy, cá chết ở vịnh Nghi Sơn là do bị các dịch bệnh nguy hiểm trên.
Còn nguyên nhân dịch bệnh là do môi trường nước nuôi quá ô nhiễm. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Thọ sẽ vận động ngư dân nuôi cá lồng ở Nghi Sơn giảm mật độ các lồng nuôi, nuôi cách xa nhau để tránh lây nhiễm khi có dịch bệnh.
Thu Trang - Hương Lan