Dàn dựng kịch bản lộ liễu
Nói tới những chương trình hẹn hò đầu tiên, phải kể tới Hành trình kết nối trái tim (Love bus) và Bạn muốn hẹn hò. Bên cạnh yếu tố mới lạ khi khai thác những câu chuyện tình yêu, không thể phủ nhận, những chương trình này đã trở thành cầu nối bắc nhịp yêu thương cho nhiều bạn trẻ. Love bus đã kết nối thành công nhiều đôi. Bạn muốn hẹn hò sau nhiều năm phát sóng đã se duyên cho hơn 450 cặp, trong đó có hơn 30 cặp kết hôn. Sức hấp dẫn từ những chương trình mai mối này đã gợi ý để các nhà sản xuất tung ra hàng loạt những gameshow hẹn hò liên tục chiếm sóng “giờ vàng” thời gian gần đây như: Khúc hát se duyên, Lựa chọn của trái tim, Yêu là chọn, Giai điệu chung đôi, Vì yêu mà đến, Quý cô hoàn hảo… Tuy nhiên, sự đổ bộ tấp nập của những gameshow nhập ngoại này ngay khi lên sóng đã gây nhiều tranh cãi về tính chân thực và ý nghĩa mà chúng mang lại.
Mục đích của người chơi khi tham gia gameshow là tìm một nửa đích thực của đời mình, nhưng không hiếm trường hợp người chơi “chạy sô” từ chương trình này qua chương trình khác. Đơn cử, chàng trai Hoàng Minh xuất hiện trong cả Vì yêu mà đến lẫn Lựa chọn của trái tim, hay Tuấn Khương-quán quân Ca sĩ giấu mặt mùa đầu tiên cũng tham gia cả hai gameshow Vì yêu mà đến và Giai điệu chung đôi. Chính điều này đã khiến người xem phải đặt dấu hỏi về sự nghiêm túc của người chơi cũng như tính chân thật của chương trình. Bên cạnh đó, việc tham gia của những nhân vật trong làng giải trí ở một số gameshow cũng khiến khán giả nghi ngờ về mục đích của người chơi: rằng người tham gia có thật sự để tìm tri kỷ hay chỉ là một cách để quảng bá hình ảnh bản thân, hâm nóng tên tuổi.
Chương trình Lựa chọn của trái tim, phiên bản Việt hóa từ gameshow nổi tiếng Sexy Beast của Anh đã nhận về không ít “gạch đá” từ dư luận. Chương trình cố ý hóa trang người chơi xấu ma chê quỷ hờn để họ có thể đưa ra sự lựa chọn bằng chính những rung động, hòa hợp trong tâm hồn chứ không phải chỉ là qua hình thức. Tuy nhiên, khi lên sóng, chương trình lại chứng mình điều ngược lại khi nhiều cặp đôi đã phải lòng nhau nhưng đối diện với ngoại hình thật không như kỳ vọng thì bỏ chạy mất hút. Cũng bởi thế mà giá trị nhân văn của chương trình bị suy giảm mạnh. Thêm nữa, cách dàn dựng của nhà sản xuất khi để một người chơi được ngồi chễm chệ trên ghế nóng thản nhiên nhận xét, bình phẩm, thậm chí hạ bệ những đối tượng được lựa chọn cũng gây phản cảm. Giai điệu chung đôi, Khúc hát se duyên, những chương trình tìm người tri kỷ qua giọng hát cũng không ít lần khiến người xem thất vọng khi khai thác quá đà những màn tỏ tình sống sượng, những cảnh giận dỗi, hiểu lầm sến sẩm đến mức có cảm giác dàn dựng nhiều hơn thật. Thậm chí, nhiều khán giả cho rằng những gameshow hẹn hò này chẳng khác gì những vở kịch được diễn lại, khi mà những người chơi dường như chỉ đang làm theo những thứ đã được học thuộc lòng.
Chưa phù hợp văn hóa dân tộc
Bên cạnh đó, một số gameshow hẹn hò cũng đang phải đối diện với nhiều phản ứng từ khán giả khi du nhập cả những yếu tố không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đơn cử, cách đây không lâu, trong chương trình Quý cô hoàn hảo, màn tranh cãi giữa cô gái Thiên Kỳ với nhân vật mẹ chồng khiến ai xem cũng phải choáng váng. Việc người chơi không thể tiết chế cảm xúc và việc khai thác quá đà những lời qua tiếng lại vô hình trung làm méo mó hình ảnh, vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Vì yêu mà đến, gameshow lấy nguyên bản từ Phi thường hoàn mỹ của Trung Quốc cũng bị lên án vì Việt hóa lỗi. Trong chương trình, người chơi là những nhân vật nữ phải tìm cách để thuyết phục nhân vật nam trở thành người hẹn hò cùng mình. Ý tưởng của chương trình được đánh giá cao khi giúp làm tăng tính chủ động cho người phụ nữ trong tình yêu ở xã hội hiện đại. Tuy nhiên, khi phát sóng, hình ảnh người phụ nữ lại bị làm xấu đi bởi tất cả những toan tính, thủ đoạn tranh giành bạn trai được các cô tung hê hết trên sóng truyền hình. Rõ ràng, khi không phải là chương trình trực tiếp, đơn vị sản xuất hoàn toàn có thể biên tập, điều chỉnh những tình tiết thiếu phù hợp để có thể nhận được sự đồng cảm của người xem. Nhưng có vẻ, những tình tiết này thậm chí đang được sử dụng như những yếu tố nhằm gây sốt, tăng độ nóng, tăng lượt người xem và cũng là để tăng doanh thu quảng cáo cho chính chương trình.
Xưa nay, trong quan niệm của người Việt Nam, tình yêu vẫn luôn là thứ thiêng liêng. Dù tình yêu có được se duyên ngoài đời thực hay bắt nguồn trên truyền hình thì cũng vô cùng đáng quý. Vì thế, đành rằng người chơi khi tham gia gameshow sẽ phải tuân thủ những quy định của chương trình và chương trình nào cũng không thể thiếu bàn tay dàn dựng của đạo diễn. Nhưng không thể vì thế mà người chơi hay nhà sản xuất có thể dùng gameshow để đùa giỡn với cảm nhận của người xem, nhất là khi khai thác những yếu tố liên quan đến tình yêu. Thiết nghĩ, dù là gameshow nội hay nhập ngoại thì muốn thành công cũng phải đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người Việt. Nếu cẩu thả và bỏ qua yếu tố này, sớm muộn gì thì công chúng, những người quyết định sự tồn tại của gameshow, cũng sẽ tẩy chay và quay lưng với những chương trình nhảm, nhạt.