Dân Việt

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu rà soát thu hồi dự án treo tại Nhà Bè

Hồ Văn - Nam Sơn 02/05/2018 12:45 GMT+7
Sáng 2.5, tại cuộc họp UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách thành phố tháng 4 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 5.2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) rà soát lại thực trạng khoảng 85 dự án bất động sản treo mà không thể triển khai được, gây khó khăn cho đời sống người dân ở 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè.

Ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở TNMT thành lập tổ công tác để rà soát lại và xem xét thu hồi với dự án không thể triển khai. Không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền phá vỡ quy hoạch. Đồng thời ông Phong yêu cầu Sở này cần nhanh chóng hoàn thành và báo cáo Đề án quản lý nguồn tài nguyên đất TP.HCM để huy động nguồn lực đất đai đầu tư các dự án hạ tầng.

Vì dự báo mùa mưa sẽ bắt đầu vào khoảng nửa tháng tới, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM thực hiện nhanh các giải pháp chống ngập. Trong đó, không chỉ tính đến giải pháp xây dựng công trình mà phải tính đến giải pháp phi công trình như làm công viên, hồ điều tiết.

img

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tại cuộc họp kinh tế xã hội ngày 2.5.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thì tổng thu ngân sách nhà nước thành phố ước thực hiện 4 tháng đầu năm là 126.600 tỷ đồng, đạt 33,6% dự toán, tăng 3,79% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 81.076 tỷ đồng, đạt 33,54% dự toán, tăng 7,59% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 7.977 tỷ đồng, đạt 63,46% dự toán, tăng 39,72% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 30.400 tỷ đồng, đạt 28,15% dự toán, giảm 9,69% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện là 15.980 tỷ đồng, đạt 18,4% dự toán, tăng 37,91% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 5.693 tỷ đồng, đạt 15,74% dự toán, tăng 83,99% so cùng kỳ; chi thường xuyên 9.015 tỷ đồng, đạt 24,7% dự toán, tăng 7,56% so cùng kỳ.

Lĩnh vực thương mại tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Hoạt động thương mại bán lẻ được tập trung về chất lượng và hoạt động tốt, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho nhu cầu sinh hoạt người dân. Sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản xuất nông nghiệp duy trì hoạt động ổn định. Tổng vốn đăng ký và bổ sung của doanh nghiệp tăng 30% so với cùng kỳ và tổng vốn đầu tư thành phố thu hút được tăng 76% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 338.939,4 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ tăng 10,6%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,85 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 11,12 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.

Thị truờng xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Hồng Kông tăng 34,5%; Thái Lan tăng 23,1%; Úc tăng 20,3%; Đài Loan tăng 79,3%; Indonesia tăng 60,8%… Riêng thị trường Trung Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia, Đức… xuất khẩu chậm lại. Một số mặt hàng xuất khẩu được duy trì và có mức tăng tốt như: Gạo tăng 31,5%; rau quả tăng 27,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 17,3%...

img

Quang cảnh cuộc họp kinh tế xã hội TP.HCM ngày 2.5.

Về lĩnh vực nông nghiệp, TP.HCM tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan. Phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, cá cảnh, hoa - cây kiểng, bò thịt, nâng cao chất lượng đàn bò sữa… Qua đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 4 tháng ước đạt 3.816,5 tỷ đồng, tăng 6,2% (cùng kỳ tăng 6,1%).

Thực hiện Chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả; tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện của thành phố.

Bên cạnh đó, tình hình kiểm tra dịch tễ đàn gia súc, gia cầm; vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật được tăng cường, nhất là các khu vực giáp ranh giữa các quận huyện trên địa bàn TP.HCM; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ, nhanh chóng đảm bảo không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, góp phần duy trì và phát triển ngành chăn nuôi.