Dân Việt

Được bạn chi 32 tỷ, ông Nguyễn Xuân Sơn có thoát án tử?

Đình Việt 03/05/2018 18:30 GMT+7
Theo luật sư, ngoài việc nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô thì người bị kết án còn phải được đánh giá hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì mới thoát án tử hình.

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 2.5, tại phiên tòa phúc thẩm đại án Oceanbank, luật sư của Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Oceanbank, cho biết một doanh nhân sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để cứu bị cáo này thoát án tử hình.

Theo luật sư của Nguyễn Xuân Sơn, gia đình ông Sơn sẽ lo 5 tỷ đồng, còn doanh nhân Nguyễn Trung Hà (thành viên sáng lập Công ty FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt) sẽ sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để đủ khắc phục 3/4 số tiền 49 tỷ mà cựu Tổng giám đốc Oceanbank bị cáo buộc tham ô. Nộp đủ 37 tỷ, ông Nguyễn Xuân Sơn có thể được giảm án từ tử hình xuống chung thân.

img

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: IT

Chiều nay (3.5) trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cần thiết phải xem xét giảm án tử hình cho Nguyễn Xuân Sơn xuống mức tù chung thân nếu gia đình đã khắc phục 3/4 số tiền tham ô đã chiếm đoạt.

Bởi lẽ, xu hướng chung trên thế giới dần tiến tới loại bỏ án tử hình. Chính sách luật hình sự mới của nước ta hiện nay với xu hướng có lợi cho người phạm tội và thu hẹp tội tử hình. Vụ án Nguyễn Xuân Sơn là vụ án liên quan đến kinh tế, với giá trị tiền chiếm đoạt tham ô 49 tỷ.

Mục tiêu chính trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô. Nếu xử lý tử hình tội phạm tham nhũng thì Nhà nước không thu hồi lại được tiền và chính sách chống tham nhũng cuối cùng của Đảng và Nhà nước cũng không đạt được.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS 2015, ngoài việc nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô thì người bị kết án còn phải được đánh giá hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Tức là còn phụ thuộc vào thái độ của ông Sơn với cơ quan điều tra.

Việc đánh giá người phạm tội có hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hay không phải căn cứ vào sự đánh giá của các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

“Dù có những quan điểm khác nhau về thái độ khai báo của người phạm tội thì việc gia đình đã chủ động khắc phục tiền chiếm đoạt cho bị cáo cũng cần thiết phải được xem xét để giảm án từ hình cho bị cáo xuống chung thân là có căn cứ, phù hợp với chính sách hình sự mới của nước ta hiện nay”, luật sư Thơm cho biết.

Điều 40 BLHS 2015 quy định về tội Tử hình như sau:

1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

b) Người đủ 75 tuổi trở lên

c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

>>> XEM THÊM: http://danviet.vn/ban-doc/bat-go-lau-tai-dak-lak-phuong-rau-se-bi-xu-ly-the-nao-872017.html