Dân Việt

Ngăn đại gia thâu tóm nhà đất như Vũ "nhôm"?

Nam Sơn 04/05/2018 07:30 GMT+7
Theo các chuyên gia cần có giải pháp để hạn chế những cuộc “thâu tóm” hay mua bán nhà đất công với giá rẻ mạt trong bóng tối của các đại gia như Vũ “nhôm”. Đồng thời cũng có ý kiến đề xuất phải khai thác hiệu quả quỹ đất thuộc quản lý Nhà nước vì “đất vàng, đất kim cương” mà không đưa vào xây dựng, khai thác sử dụng thì cũng vô giá trị.

Vũ “nhôm” thâu tóm nhà đất công TP.HCM

Tại cuộc họp báo định kỳ của TP.HCM ngày 2.5, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận có một số nhà, đất công ở thành phố được giao cho ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"). Cụ thể là 2 địa chỉ thuộc thành phố quản lý còn phần lớn là nhà đất, công sản do cơ quan thuộc Trung ương quản lý. Ông Hoan cho biết đối với công sản do cơ quan Trung ương quản lý về mặt thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất như thế nào thì thuộc về Trung ương. Còn UBND TP.HCM chỉ có 2 việc, đó là quản lý quy hoạch, tham mưu thẩm định giá theo quan điểm của thành phố.

Ông Vũ “nhôm” được biết đến là "đại gia" bất động sản, chủ nhiều doanh nghiệp như Công ty CP 79, Công ty TNHH I.V.C, Công ty CP Nova Bắc Nam 79 và có cổ phần tại một số công ty khác; đầu tư nhiều dự án “khủng”; sở hữu nhiều khu đất vàng ở TP.Đà Nẵng và TP.HCM. Liên quan đến các dự án, nhà và đất này, từ lâu dư luận đã phản ánh có nhiều dấu hiệu sai phạm và các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc làm rõ.

Trước đó, việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) chuyển nhượng 32,4ha đất (tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL) đã tạo nên nhiều luồng ý kiến, trong đó có đề cập đến việc “bán rẻ” đất công cho nhà đầu tư, gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

img

Khu đất 32,4ha tại xã Phước Kiển huyện Nhà Bè nhìn từ trên cao

Để làm rõ vụ việc này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong vụ chuyển nhượng hơn 32,4ha đất Phước Kiển cho QCGL. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy trong chuyển nhượng đất. Ủy ban này cũng đồng thời làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm trách nhiệm của cá nhân và tập thể có liên quan và báo cáo Ban thường vụ Thành ủy trước ngày 8.5.

Ngoài ra, liên quan đến việc khai thác hiệu quả quỹ đất (thuộc quản lý Nhà nước) trên địa bàn TP.HCM, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm, “đất vàng, đất kim cương” mà không đưa vào xây dựng, khai thác sử dụng thì cũng vô giá trị, vì không tạo được GDP, không tạo được hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ và công ăn việc làm. Đơn cử, Thanh tra TP.HCM vừa phát hiện nhiều khu đất công rộng hàng chục ngàn mét vuông để trống, bỏ hoang qua nhiều năm đồng thời HĐND TP.HCM giám sát phát hiện thêm hàng ngàn mét vuông tương tự.

Cụ thể là mặt bằng số 127 Nguyễn Huệ (quận 1) bị quây tôn, bỏ không gần 10 năm nay. Hay khu đất ở địa chỉ 574 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) rộng hơn 24.000m2 do Công ty CP chế tạo máy Sinco (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) đăng ký sử dụng hiện vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Gần đó, khu đất rộng khoảng 9.000m2 tại 620 Kinh Dương Vương do Công ty cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar đăng ký sử dụng cũng đang bỏ trống. 

Xác định đúng giá khởi điểm đấu giá công khai 

Nêu ý kiến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 20.4, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có đề cập đến việc khai thác những giá trị từ đất đai và tạo những cơ chế, chính sách cho thị trường phát triển bền vững, minh bạch. Theo đó, phía HoREA đề xuất thực hiện hiệu quả cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là khi thực hiện Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, để đạt hiệu quả tốt nhất.

img

Khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1,TP.HCM) được Tân Hoàng Minh mua với giá tăng gấp 2,6 lần giá khởi điểm đấu giá

Thực tế cho thấy, việc đấu giá nhà đất công một cách độc lập, công khai đã mang về nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Cũng tại cuộc họp báo định kỳ của TP.HCM ngày 2.5, ông Võ Công Lực – Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.HCM cho biết từng có một cuộc đấu giá đất kỷ lục khi kéo dài từ 8h sáng đến 23h đêm. Đó là bán đấu giá 584 nền đất ở quận 2 với giá khởi điểm là hơn 1.350 tỷ đồng, khi tiến hành đấu giá thì thu được hơn 2.060 tỷ đồng. 

Hay trường hợp đấu giá “khu đất vàng” 23 Lê Duẩn (quận 1) là một ví dụ điển hình với 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá. Phải qua 16 vòng đấu thì mới xác định người trúng đấu giá là Công ty Tân Hoàng Minh. Giá khởi điểm của "khu đất vàng" này 550 tỷ đồng trong khi giá trúng đấu giá lên đến 1.460 tỷ đồng, chênh lệch tăng thêm 910 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá.

Để có cuộc đấu giá nhà đất công sản độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan", HoREA kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá tài sản. Trong đó, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng hoàn thiện cơ chế xác định "giá đất cụ thể" để xác định "giá khởi điểm tài sản đấu giá, trong đó có quyền sử dụng đất" một cách hợp lý để thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên giao cho "Tổ chức phát triển quỹ đất" chức năng tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất. Phải thống nhất một đầu mối là "Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản" do UBND cấp tỉnh thành lập có chức năng tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản, trong đó, có quyền sử dụng đất. "Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản" phải trực thuộc Sở Tư pháp như mô hình tổ chức thực tế hiện nay tại TP.HCM.

"Hiệp hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, theo hướng giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của "Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản" để đảm bảo cơ quan này hoạt động trung thực, vô tư, khách quan, để không xảy ra tình trạng đấu giá "cuội", "quân xanh, quân đỏ" làm sai lệch kết quả đấu giá, có thể làm thất thoát tài sản Nhà nước", ông Lê Hoàng Châu nói.