Dân Việt

Pháp quyết chống lại 'bá quyền' của Trung Quốc ở châu Á

Duy Anh 03/05/2018 21:30 GMT+7
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng khẳng định không chấp nhận "bá quyền" với những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Theo SCMP, phát biểu trong chuyến thăm Australia hôm 2/5, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định Pháp, Australia cùng Ấn Độ có trách nhiệm bảo vệ châu Á - Thái Bình Dương khỏi "bá quyền" của Trung Quốc.

"Trung Quốc trỗi dậy là tin tốt lành cho tất cả mọi người, tốt cho bản thân Trung Quốc, tầng lớp trung lưu của nước này và tốt cho tăng trưởng toàn cầu và khu vực. Nhưng, điều quan trọng là duy trì sự phát triển dựa trên luật pháp và cân bằng tại khu vực. Không nên tồn tại bất cứ hình thức 'bá quyền' nào trong bối cảnh mới hiện tại", ông Macron tuyên bố.

img

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull

Trong khi đó, Thủ tướng chủ nhà Malcolm Turnbull cho biết hoan nghênh sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc nhưng cũng bày tỏ lo ngại khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại các tiểu quốc ở châu Đại Dương.

"Chúng tôi luôn cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Một trong các nguyên tắc quan trọng của luật pháp đó là cá lớn không thể nuốt cá bé, lẽ phải không đương nhiên thuộc về kẻ mạnh", ông Turnbull cho biết.

Tuyên bố có phần cứng rắn của Pháp và Australia được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc cung cấp hàng loạt khoản viện trợ và cho vay khổng lồ.

Viện nghiên cứu chính sách Lowy, Australia tính toán Bắc Kinh đã cung cấp khoản tín dụng 1,78 tỷ USD cho các đảo quốc tại Thái Bình Dương trong giai đoạn 2006-2016. "Sự quan tâm" của Trung Quốc tại khu vực vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Australia khiến Canberra không khỏi lo ngại.

Các báo cáo trước đó cho biết Trung Quốc có ý định thiết lập căn cứ quân sự lâu dài tại Vanuatu, chỉ cách bờ biển phía Đông của Australia 1.750 km và cách New Caledonia thuộc Pháp dưới 500 km. Tuy nhiên, các bên liên quan đã phủ nhận thông tin về thỏa thuận này.