Sự lựa chọn của người trẻ
Tháng 2.2018, một nhóm các bạn trẻ tổ chức triển lãm, tọa đàm “Vẽ về hát bội” tại TPHCM. Đầu tháng 4, nằm trong dự án “Đối thoại văn hóa cộng đồng” (CCD), nhóm Cội Việt tổ chức số đầu tiên series “Diễn xướng Nam bộ” nhằm khơi lại lịch sử 400 năm hình thành và phát triển của mảnh đất phương Nam. Cũng trong đầu tháng 4, nhóm S-River cho ra mắt cuốn sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống.
Đó chỉ là 3 trong vô số những hoạt động liên quan đến loại hình văn hóa truyền thống do các bạn trẻ nghiên cứu, tìm tòi và tổ chức thực hiện. Những bước đi ấy đã cho ra đời những thành phẩm có thể nhìn bằng mắt, sờ bằng tay, nghe bằng tai, nhưng được thể hiện qua lăng kính của người trẻ một cách tươi mới.
“Chúng tôi xác định, mình là cầu nối giữa các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia... và công chúng, để họ lựa chọn. Văn hóa chính là sự lựa chọn, chứ không hề mang tính áp đặt”, Lục Phạm Quỳnh Nhi, thành viên nhóm Cội Việt, chia sẻ.
Trong khi đó, Trịnh Thu Trang, người sáng lập S-River, Trưởng dự án Họa Sắc Việt, tác giả cuốn Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống, cho biết: “Tôi rất hy vọng có thể truyền cảm hứng cho người trẻ để họ bắt đầu một dự án cá nhân có liên quan, hoặc được lấy cảm hứng từ mỹ thuật dân gian Việt Nam - một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá và đáng trân trọng”. Với Trang, cuốn sách ra đời là kết quả của niềm yêu mến và thấy gần gũi với những giá trị văn hóa truyền thống của một Hà Nội xưa cũ đã bị mai một rất nhiều, thậm chí mất hẳn.
Sự lựa chọn đối với Trần Quang Minh Tân, người đứng đầu nhóm Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, cũng đến từ niềm đam mê lịch sử triều Nguyễn từ rất lâu. Nhưng, sau nhiều ấp ủ anh mới có cơ hội để tìm hiểu sâu về trang phục truyền thống của triều đại này, đặc biệt là trang phục cung đình. Riêng với Phan Khắc Huy, Trưởng nhóm Cội Việt, sự lựa chọn ấy ngoài đam mê còn xuất phát từ truyền thống yêu thích văn hóa nghệ thuật của gia đình.
Và, từ sự lựa chọn của mỗi cá nhân, điểm chung của hầu hết các nhóm như: Cội Việt, Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, S-River, Zó, Đại Việt Cổ Phong... là họ đã tìm được sự nối kết đồng điệu của các bạn trẻ khác để cùng nhau bắt đầu, nghiên cứu, thực hành và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê chia sẻ về ý nghĩa bức Tứ phủ đại công đồng cho các thành viên S-River
Trước câu hỏi và suy nghĩ của nhiều người luôn cho rằng, văn hóa truyền thống là những thứ cũ kỹ, phù hợp với người già hơn là người trẻ, theo Thu Trang, lý do nằm ở việc các bạn chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận sâu và chưa hiểu hết các giá trị của văn hóa truyền thống. Cô đưa ra dẫn chứng: “Từ khi giới thiệu dự án trên fanpage Họa sắc Việt, khoảng 50% người quan tâm trong lứa tuổi 18-24 và 30% trong nhóm tuổi 25-34. Vậy thì có phải người trẻ không quan tâm với văn hóa truyền thống? Có chăng cần nhiều cơ hội hơn để giới trẻ được tiếp xúc văn hóa dân gian theo cách gần gũi và mới mẻ hơn”.
Quỳnh Nhi cũng cho biết thêm, khi Cội Việt mở các khóa học như “Kể chuyện văn hóa, lịch sử Việt Nam”, đối tượng đa phần là các bạn trẻ dưới 30. Các thành viên nòng cốt của Nguyên Phong Đoạn Lĩnh chưa ai bước qua tuổi 30. Nhiều nhóm Đại Việt Cổ Phong, Zo, Đình làng Việt... có các thành viên tham gia tuổi đời cũng còn rất trẻ. Nếu sợi dây kết nối chính là niềm đam mê thì bản thân các nhóm cũng có sự chọn lọc kỹ lưỡng về các thành viên để có thể đi với nhau đường dài.
Vượt khó giữ lại chân giá trị
Đối với các nhóm nghiên cứu, thực hành các loại hình văn hóa truyền thống, câu hỏi lớn nhất là làm thế nào tiếp cận được giá trị cốt lõi và tạo ra phương pháp truyền tải phù hợp đến công chúng.
“Các bạn trẻ có sự nhiệt tình. Nhưng để đạt được mục tiêu là thực hành đúng đắn các giá trị văn hóa truyền thống, đầu tiên phải xây dựng được nền tảng lịch sử vững chắc dưới sự cố vấn, phản biện của các chuyên gia. Nếu không có điều đó, các sản phẩm văn hóa đến với công chúng rất dễ bị hiểu sai, cực đoan”, Quỳnh Nhi chia sẻ.
Với kinh nghiệm từ cuốn sách vừa phát hành, Thu Trang chỉ ra rằng, đầu tiên là phải tìm đọc rất nhiều các tài liệu liên quan, mặc dù việc tìm kiếm này với cá nhân cô và nhóm, cũng như các nhóm khác là vô cùng khó khăn, do số lượng đầu sách ít, bị thất truyền. Riêng với Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, theo Minh Tân, ngoài đọc sách còn phải đi thực tế ở các bảo tàng, di tích để có những trải nghiệm thực.
Cũng từ niềm đam mê và ham học hỏi, họ nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều chuyên gia. S-River được nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian Phan Ngọc Khuê, nghệ nhân Lê Đình Nghiên, các chuyên gia đầu ngành trong ngành thiết kế nhiệt tình chia sẻ, ủng hộ, cố vấn, để có Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống. Cội Việt cũng có cơ hội được hợp tác với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Nhà hát bội học đất phương Nam - NSND Đinh Bằng Phi… Nếu không có họ, chắc chắn đã không có những thành công nói trên.
Từ ý tưởng ban đầu, các nhóm nghiên cứu, thực hành văn hóa truyền thống đã cho ra đời nhiều sản phẩm: triển lãm, tọa đàm, sách, mẫu trang phục, tranh, ảnh... Sau khi hoàn thiện 30 bộ trang phục đầu tiên, mục tiêu tiếp theo của Nguyên Phong Đoạn Lĩnh là thực hiện trang phục của vua chúa, hoàng hậu, hoàng phi... nhưng dự án đang giậm chân tại chỗ do chưa có kinh phí. Cũng vì lý do đó, dù đã lên kế hoạch cho một sự kiện gồm: triển lãm, tọa đàm, trình diễn thời trang, ra mắt sách ảnh nhưng nhóm chưa thể làm được.
Cội Việt dù đã có những nguồn lợi nhuận nhất định từ các hoạt động đa dạng nhưng vẫn đang ấp ủ kế hoạch phối hợp với các nhà nghiên cứu xuất bản sách. S-River cho biết, để có kinh phí hoạt động cho dự án, sau ra mắt sách, các bạn đã kết hợp với các đơn vị sản xuất (in ấn, thời trang, nội thất, thủ công mỹ nghệ…) để ứng dụng những họa tiết mà nhóm đã phát triển vào thực tế, giúp nhóm duy trì, phát triển các hoạt động. Tuy nhiên, nhóm cũng đang rất tích cực tìm kiếm và liên hệ với các quỹ tài trợ liên quan đến văn hóa để có thể hiện thực hóa những dự định tiếp theo.